Tăng nguy cơ học sinh trượt tốt nghiệp
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2019 với một số điều chỉnh thay đổi so với năm 2018. Một trong những thay đổi quan trọng, tác động trực tiếp đến thí sinh là tăng tỉ lệ kết quả thi trong điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Theo đó, thay vì điểm thi THPT quốc gia và điểm học bạ chiếm tỉ lệ 50/50, thì sang năm 2019, tỉ lệ này được điều chỉnh thành 70/30 (điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích).
Với thay đổi này, thầy Ngô Xuân Quỳnh (giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) dự đoán những em học sinh lớp 12 có học lực trung bình sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi thay đổi này. Nếu theo cách cũ có thể đỗ, nhưng theo cách mới có thể trượt.
Thầy Quỳnh lấy ví dụ: Xét 1 học sinh có điểm trung bình lớp 12 là 7.0, điểm trung bình bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên là 4 (Toán: 5, Lí: 4, Hóa: 4, Sinh: 3).
Theo cách cũ, điểm xét tốt nghiệp là (7 + 4): 2 = 5.5, học sinh đỗ tốt nghiệp. Còn theo cách mới, điểm xét tốt nghiệp là 0.3x7 + 0.7x4 = 4.9, học sinh trượt tốt nghiệp. Để tăng cơ hội đỗ, học sinh cần nhanh chóng ôn tập, củng cố kiến thức, chuẩn bị tốt cho kỳ thi quan trọng.
Như vậy, với thay đổi trong phương án thi THPT quốc gia 2019 mà Bộ GDĐT vừa công bố, học sinh được 4 điểm/ môn ở kỳ thi THPT quốc gia vẫn có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Trong khi những năm trước, không ít thí sinh chỉ cần được 2-3 điểm/môn cũng có thể đỗ điểm học bạ cao.
Còn theo tính toán của TS Lê Thị Thanh Mai (Đại học Quốc gia TPHCM), nếu áp dụng công thức của năm 2019, khả năng sẽ có 116.103 học sinh đủ điểm xét tốt nghiệp năm 2018 sẽ trở thành không đủ điểm để xét tốt nghiệp năm 2019. Nói cách khác, tỉ lệ tốt nghiệp sẽ giảm gần 15%.
Hết thời tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao chót vót?
Những năm vừa qua, sau khi Bộ GDĐT công bố điểm thi THPT quốc gia, các địa phương cũng công bố tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, với những con số cao chót vót ở mức trên 90%, thậm chí 99,09%. Điều này khiến không ít người đề xuất nên bỏ việc thi tốt nghiệp, để đỡ tốn kém.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, điểm thi THPT quốc gia không quyết định việc thí sinh có được tốt nghiệp hay không mà còn phụ thuộc vào kết quả học tập năm lớp 12. Thậm chí đây còn là “phao cứu sinh” cho nhiều người.
Trước thay đổi của phương án thi THPT quốc gia 2019 theo hướng tăng tỉ lệ kết quả thi lên 70% trong xét công nhận tốt nghiệp, TS Lê Viết Khuyến (nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT) bày tỏ đồng tình. Ông cho rằng, điều chỉnh này thích hợp với điều kiện hiện tại.
“Thời gian qua dư luận phản ánh nhiều về bệnh thành tích, xuất hiện tình trạng giáo viên ở cấp THPT rộng tay, cho điểm rất cao để tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp cho học sinh. Vì rất khó kiểm soát được việc cho điểm thi ở các trường nên quy định tăng điểm thi trong tỉ lệ xét tốt nghiệp là rất tốt”- TS Khuyến chia sẻ.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng, dù Bộ có cải tiến, điều chỉnh, nhưng vẫn khó đảm bảo khách quan trong việc xét tốt nghiệp. Bởi rất có thể, giáo viên các trường vì thương học sinh sẽ càng “rộng tay” hơn trong việc cho điểm học bạ.
Nếu xảy ra điều này, thì rất nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ sẽ bị ảnh hưởng, bởi không thể chọn lựa đúng những thí sinh có năng lực thực sự vào trường.
Thạc sĩ Dương Duy Khải - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - chia sẻ: "Mong các thầy cô phổ thông đánh giá điểm học bạ chính xác, để các trường ĐH, CĐ xét đúng. Đừng cho điểm ảo, để trường đại học không thể chọn lựa đúng thí sinh."
Theo Bích Hà (Lao Động)