Quá kinh hoàng!
Lội bộ hơn 3 tiếng giờ đồng hồ trên đoạn đường đầy bùn đất và những điểm sạt lở trơn trượt từ trung tâm xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở núi kinh hoàng khiến 11 ngôi nhà tại nóc Ông Lục bị vùi lấp.
Vẫn chưa hết sợ hãi về những gì vừa xảy ra, ông Lê Xuân Cang, trú thôn 1, xã Trà Leng cho biết, dù sống ở vùng núi đã mấy chục năm nhưng đây là lần đầu tiên ông tận mắt chứng kiến một vụ sạt lở khủng khiếp như vậy.
Theo ông Cang, khuya 29/10, trời bất ngờ có mưa rất to, rồi khoảng 2 tiếng sau ông bất ngờ nghe một tiếng nổ lớn, kéo theo đó là cả quả đồi đổ ập xuống dãy nhà ở nóc Ông Lục.
"Tôi may mắn chạy thoát được và đã cùng những người sống sót cố gắng bới móc dưới những đống đổ nát để tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Cảnh tượng lúc đó thật kinh hoàng và ám ảnh. Sau cả đêm tìm kiếm, chúng tôi đã cứu sống được khoảng 10 người bị thương nặng ra ngoài. Hiện vẫn còn rất nhiều người đang mất tích, cầu mong lực lượng chức năng sẽ sớm tìm kiếm được các nạn nhân này…", ông Cang, kể lại.
Ngồi gục trên bãi bùn lầy với vẻ mặt thất thần, đôi mắt đỏ hoe, em Hồ Thị Hoà cho biết, trong số những người còn lại đang mất tích có cha mẹ, em gái 6 tuổi và con trai 4 tuổi của mình. Cứ mỗi lần thấy có nạn nhân được đưa ra từ đống đổ nát, Hoà lại chạy lại gào khóc nức nở. Từ chiều đến giờ, cô gái trẻ này đã ngất đi cả chục lần vì quá đau xót, cứ mỗi tỉnh dậy, Hoà lại nói trong vô thức: “Mẹ mua sữa về rồi nè, con ở đâu rồi”. Chứng kiến vụ việc nhiều người cũng không sao kiềm được nước mắt.
Đưa tay lau vội dòng nước mắt đang lăn dài trên gò má, Hoà chia sẻ, em đang đi làm thêm tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) thì nhận được hung tin cả đại gia đình mình bị sạt lở núi vùi lấp. Chết lặng vài phút, Hoà cố trấn tĩnh để chạy xe máy về quê, nhưng khi còn cách ngôi làng mình sinh sống khoảng gần 16 km nữa thì gặp điểm sạt lở nên không thể di chuyển được nữa.
Do quá nóng lòng, Hoà đã bỏ xe lại và chạy bộ qua khoảng 8 điểm sạt lở để về nhà. Đến nơi, Hoà không thể tin cảnh tượng trước mắt mình. Cả ngôi làng chỉ còn là một đống đổ nát, ngổn ngang đầy bùn đất.
"Em đi làm ăn dưới thành phố để kiếm tiền gửi về cho ba mẹ mua sữa cho con. Sáng nay, em lật đật chạy về thì chết lặng khi nghe tin cả 11 hộ dân nóc mình bị chôn vùi. Em thật sự quá đau lòng và vẫn không thể tin những gì đang diễn ra là sự thật. Bây giờ em chỉ cầu mong sớm tìm được những người thân còn lại của mình đang bị mất tích", Hoà nghẹn ngào.
Tang thương bao trùm ngôi làng nhỏ
Ngồi lặng im trước hiện trường với đôi mắt đầy sợ hãi, bà Trần Thị Minh Châu chua xót kể, khuya 29/10, bà đang nằm ngủ thì nghe tiếng nổ vang trời. Linh cảm chuyện chẳng lành, bà bật dậy ôm 2 đứa con nhỏ bỏ chạy thật nhanh ra ngoài, bỏ lại những âm thanh chát chúa sau lưng. Khi quay lại nhìn thì ngôi nhà của mình đã bị đất đá vùi lấp, trong đó có chồng bà.
Theo bà Châu, thảm họa diễn ra quá nhanh, chỉ khoảng 5 phút đã cuốn trôi cả ngôi làng, rất may cũng có nhiều người chạy thoát được như bà.
"Tôi chỉ kịp ôm 2 con tháo chạy và may mắn thoát chết, tôi bị thương ở tay, chân và mặt. Còn chồng tôi hiện vẫn đang mất tích, tất cả tài sản đã bị nằm lại dưới đống bùn lầy", bà Châu nấc lên thành tiếng.
Đôi tay run rẫy thắp nén hương cạnh thi thể của em trai vừa được tìm thấy, bà Hồ Thị Hồng cho biết, trước ngày siêu bão số 9 đổ bộ, bà đã điện thoại dặn dò cả nhà hạn chế ra ngoài để tránh nguy hiểm. Tối 28/10, em trai bà có việc phải ra ngoài nên ghé sang nhà bà chơi. Bà đã tự tay nấu cho em trai mình bữa cơm tối nhưng không ngờ đó lại là bữa ăn cuối cùng.
"Chỉ trong một đêm, tôi mất đi đứa em trai ngoan hiền, cả làng bỗng chốc chìm trong nỗi đau, u ám và tang thương quá!", bà Hồng nghẹn ngào.
Theo Hà Nam (Tổ Quốc)