300.000 đồng/tháng với học sinh khối lớp 10; 100.000 đồng/tháng với học sinh khối lớp 11 và 12 - số tiền này được các giáo viên chủ nhiệm thông báo với học sinh là tiền hiện đại hóa phòng học. Tuy nhiên, một số học sinh cho biết đầu năm học, hiện đại đâu không thấy, chỉ thấy vỏn vẹn việc ...sơn bàn và sơn tường.
M.L, học sinh lớp 12 trường THPT Thủ Thiêm cho biết, trong năm học 2015 - 2016, vào buổi sáng ,rường không cho mở bóng đèn để tiết kiệm. Năm nay, tuy nghe nói đóng tiền hiện đại hóa phòng học nhưng các học sinh chưa thấy nhà trường có sự thay đổi nhiều.
Hiệu trưởng Phạm Văn Nghĩa, trường THPT Thủ Thiêm (TP.HCM). |
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Nghĩa, Hiệu trưởng trường THPT Thủ Thiêm cho biết khoản tiền này, gọi chính xác là hiện đại hóa phòng học và thư viện điện tử. Trường đang có dự án trang bị mỗi lớp 2 máy điều hòa nhiệt độ hiệu Toshiba, mỗi máy công suất 2 ngựa; trang bị mỗi lớp 1 màn hình tivi hiệu Samsung cảm ứng 70 inch và 2 camera để phục vụ giảng dạy học tập.
“Thậm chí,có thể tiến tới nhà trường sẽ cho phụ huynh truy cập camera để xem con em học tập thế nào. Chi phí như thế, tôi được vay vốn kích cầu thì phải hoàn trả vốn. Nói thật tôi "cầm đèn chạy trước ô tô" nên hớ ra. Đúng ra là khi đầu tư xong rồi và có hướng dẫn của Sở GD-ĐT thì mới thu tiền”, ông Nghĩa nói. Ông cũng cho biết Sở GD – ĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết việc thu tiền từ vay vốn kích cầu như thế nào. Vị hiệu trưởng này còn cho biết dự kiến của ông là: “Năm nay hoãn thu lại. Nếu trang bị năm nay thì năm sau mới thu”.
16 giờ chiều 15.9, trường THPT Thủ Thiêm ra thông báo: “Ngưng thu các khoản dự kiến năm học 2016 – 2016 để chờ văn bản chính thức của Sở GD – ĐT TP.HCM". |
Một học sinh của trường THPT Thủ Thiêm đã làm phép tính: 300.000 đồng nhân với 42 học sinh một lớp thành 12,6 triệu. Nhân với 9 tháng của năm học, thành ra một năm mỗi lớp đóng trên 108 triệu đồng để hiện đại hóa phòng học. Em nhận định: “Mai mốt ra đường, ai hỏi phòng học em như thế nào thì em sẽ trả lời rằng phòng học em VIP hơn căn phòng em đang ở vì phải đóng hơn 108 triệu đồng”.
Chị L.H. một phụ huynh học sinh lớp 10 trường THPT Thủ Thiêm cũng cho biết trong buổi họp phụ huynh đầu năm, trường có thông báo đã vay ngân hàng 3 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị và sẽ trả dần trong 7 năm.
Trình độ học sinh thấp nên phải tăng thời gian dạy
Liên quan đến số tiền tiết học tự chọn nâng cao từ 180.000 đến 280.000 đồng/tháng, Hiệu trưởng Phạm Văn Nghĩa cho biết trình độ học sinh của trường đầu vào thấp nên dạy cho học sinh yếu phải khác với học sinh giỏi, phải mất thời gian. Chính vì thế, tiết phụ đạo nâng cao thực chất là để dạy cho hiệu quả.
Ông cho biết tất cả tiền thu được từ khoản tiết học tự chọn nâng cao là để chi cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, chi cho giáo viên phụ đạo học sinh yếu kém và thưởng cho học sinh trong các cuộc thi của trường, thành phố hoặc đoạt giải quốc gia. Đồng thời để đáp ứng với kỳ thi tốt nghiệp quốc gia thì phải tăng thời gian dạy cho học sinh lớp 11 và 12.
Học sinh trường THPT Thủ Thiêm (TP.HCM) |
Tuy nhiên, sau khi nhận thấy việc thu thêm khoản tiền này là “không hợp lòng dân”, trường đã không thu nữa nhưng cũng không cắt giảm tiết học nào. Ông khẳng định: “Không phải không thu tiền mà cắt tiết học. Lương tâm và trách nhiệm không cho phép. Tôi kiên quyết đưa học trò đi lên. Nhiều lúc tôi tính đi tắt đón đầu nhưng qua đây cũng là bài học cho tôi”.
Hiệu trưởng Phạm Văn Nghĩa cho biết từ khi ông về làm hiệu trưởng trường THPT Thủ Thiêm vào tháng 11.2015 thì trường đã có nhiều thay đổi, nề nếp kỷ cương hơn. Từ tỷ lệ đậu tốt nghiệp từ 90% tăng lên 98%, từ trên dưới 40 học sinh đậu đại học đợt 1 đã tăng lên 79 học sinh.
Theo Hoàng Hoa (Dân Việt)