Tan nát tuyến đường trong dự án 1.400 tỉ đồng

03/10/2018 10:02:35

Hàng trăm mét đường bêtông tại 3 tuyến đường của Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) - thuộc một hạng mục - nằm trong dự án với tổng vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng đã hư hỏng. Sau động thái kiểm tra, Ban Quản lý (KKT) tỉnh Kon Tum cho rằng: “Đường hư hỏng do… mưa”.

Tan nát tuyến đường trong dự án 1.400 tỉ đồng
Việc sụp đổ kéo dài, chủ đầu tư là Ban Quản lý KKT Kon Tum đổ lỗi do “trời mưa”. Ảnh: HT-HP

Sụp đổ kéo dài

Tại KKT Cửa khẩu Bờ Y, nhiều tuyến đường bị hư hỏng nghiêm trọng. Mặt đường cùng các công trình phụ trợ đổ sập xuống taluy âm.

Công trình đường vào khu dân cư I-1, chiều dài khoảng hơn 250m, đưa vào sử dụng 9.2014, đã hết bảo hành. Tuy vậy, khoảng hơn tháng nay, công trình bất ngờ bị sụp đổ, rạn nứt kéo dài.

Mái taluy âm sụt xuống độ sâu hơn 10m, kéo theo hệ thống cống rãnh thoát nước, vỉa hè cùng cây xanh đổ sập. Nhiều mảng bêtông bị gãy trơ cả khung sắt.

Kết cấu bêtông ximăng sạt xuống bị đứt gãy hoàn toàn, không có độ kết dính. Ngoài ra, nhiều mét đường bị gãy nhưng chưa sập, tạo thành hàm ếch, nguy cơ cao sụp xuống nếu nền đất yếu.

Công trình thứ hai là đường D7, dài hơn 1km, nền đường rộng 15m, đưa vào sử dụng tháng 5.2015. Tuyến này bị sạt lở nền đường và mái taluy âm. Khối lượng sạt lở khoảng 1.400m3. Vỉa hè công trình bị nứt toạc, kéo dài hơn 40m.

Tuyến thứ 3 là đường D8 dài hơn 1,7km, rộng 1m được đưa vào sử dụng từ tháng 4.2017. Công trình này sạt lở nền đường và mái taluy âm hơn 30m, rộng 8m, sâu 5m, khối lượng sạt lở 1.200m3.

Chủ đầu tư yếu năng lực

Tại những tuyến đường hư hỏng trên, rất ít phương tiện giao thông qua lại. Đáng chú ý, chỉ một vài hộ dân sinh sống quanh khu vực.

Các công trình bị sụp đổ kéo dài, nhiều nghi vấn tập trung vào năng lực chủ đầu tư và chất lượng công trình. Chưa kể công tác thi công và giám sát có vấn đề buông lỏng.

Phó Trưởng ban Quản lý KKT Kon Tum - Vũ Mạnh Hải - cho biết, các tuyến đường hư hỏng là do “những trận mưa lớn diễn ra vào tháng 8”. Ông Hải nói thêm, các tuyến đường thưa thớt là do quy hoạch nhưng đất hai bên đường đã có chủ.

“Sự việc xảy ra, đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản đường hư do mưa” - ông Hải nói.

Theo một kỹ sư công tác tại Gia Lai, khi lên phương án thiết kế xây dựng, chủ đầu tư phải tính đến yếu tố nền đất yếu và thiên tai.

“Nếu muốn xác thực nguyên nhân nên đối chiếu giữa bản thiết kế và chất lượng thi công xem có sai chỗ nào? Cán bộ kỹ sư Gia Lai phân tích

Sở GTVT Kon Tum sau lập đoàn kiểm tra cho hay, việc sạt lở tại 3 tuyến đường I-1, D7 và D8 là “rất nghiêm trọng”. Việc hư hại đã gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.

Sở GTVT Kon Tum đề nghị Ban Quản lý KKT Kon Tum có biện pháp khắc phục, lắp biển báo cảnh báo cho người dân không lưu thông qua khu vực nguy hiểm. Đồng thời, có biện pháp khắc phục bằng cách ngăn không cho nước đọng bề mặt gây xói lở nền đường. Hạn chế các phương tiện lưu thông vào đoạn đường đang sạt lở.

Sở GTVT đề nghị Ban Quản lý KKT Kon Tum trình các phương án sửa chữa lên UBND tỉnh Kon Tum để xem xét, chỉ đạo.

Tìm hiểu của PV Báo Lao Động, 3 tuyến đường trên nằm trong 52 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng.

Cả 3 tuyến đường trọng yếu tại KKT Cửa khẩu Bờ Y hư hỏng, dư luận hoài nghi rằng, chủ đầu tư (Ban Quản lý KKT) yếu năng lực và buông lỏng công tác giám sát thi công. Do vậy, rất cần một cuộc thanh tra của UBND tỉnh Kon Tum để làm sáng tỏ vấn đề.

Theo Đình Văn (Lao Động)

Nổi bật