Chiếc “giếng cổ” được trình báo là có kho báu nằm sát bãi biển - Ảnh: NG.NAM |
Đề nghị bảo mật nhưng đưa nhà báo đi loan tin
Mấy ngày này tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận, người dân xôn xao trước thông tin một người đàn ông tại TP.HCM báo với chính quyền địa phương đã phát hiện vị trí chôn giấu kho báu 4.000 tấn vàng dưới ba “giếng cổ”.
Ông Đặng Ngọc Long - chủ tịch UBND xã Phước Thể - cho biết ngay sau khi tiếp nhận tin báo, chính quyền xã đã lập đoàn đi khảo sát hiện trường, đồng thời báo cáo sự việc lên cấp trên có thẩm quyền xem xét.
Sau khi trình báo sự việc, cùng đoàn đi khảo sát địa điểm, chính người đàn ông đến từ TP.HCM đã đề nghị địa phương có phương án bảo vệ hiện trạng, đồng thời bảo mật thông tin. Nhưng đi cùng người này có một nhà báo, và ngay sau đó thông tin vụ việc đã xuất hiện trên một số tờ báo với nội dung na ná nhau.
Người “chỉ điểm” kho báu tên H.V.Đ. trình bày sau nhiều năm nghiên cứu và tìm kiếm, thăm dò, có thể khẳng định chắc chắn kho vàng được chôn giấu dưới ba cái giếng.
Các địa điểm này cách nhau 500 - 700m ở một khu vực khá hẻo lánh, nằm trên động cát ven biển từ lưu vực Đầm đến cửa Sứt, thuộc xã Phước Thể.
Các giếng có độ sâu 4 - 7m, nằm cách mép nước biển 5 - 50m. Ông H.V.Đ khẳng định kho chứa vàng nằm ở độ sâu 7 - 10m, dưới lớp bêtông dày 40cm.
“Có 4.000 tấn vàng thì thợ rà hốt hết rồi”
Bà Đoàn Thị Khinh (65 tuổi, ngụ xóm 9, thôn 1, xã Phước Thể), một trong những người định cư khá sớm ở cửa Sứt, cho hay cái giếng gần nhà bà (một trong ba cái “giếng cổ” mà ông H.V.Đ khẳng định có vàng) cả xóm này không ai không biết lai lịch.
Người dân địa phương và thợ rà phế liệu đều không tin có 4.000 tấn vàng tại xã Phước Thể - Ảnh: NG.NAM
“Nó cũng bình thường như mấy cái giếng khác. Dù nằm ngay sát mép biển nhưng nước giếng vẫn ngọt. Người ta thường lấy nước ở giếng này để làm nghề đẽo đá. Sau đó không ai đẽo đá nữa thì cái giếng bị lấp lại”, bà Khinh cho hay.
Anh Huỳnh Tấn Hưng (con trai bà Khinh) ban đầu không đồng ý dẫn chúng tôi đi xem cái giếng. “Không phải ngại nắng nóng mà tui không tin dưới giếng đó có vàng”, anh nói.
Anh Hưng cho biết thêm sau khi cái giếng bị lấp đi, cách đây 4 năm chính anh là người đào lại và đặt bi giếng để lấy nước phục vụ cho các chuyến đi biển. Nhưng hiện nước giếng đã bị nhiễm mặn, không dùng được nữa nên bỏ hoang.
Từ nhà bà Khinh đi khoảng 1km, qua nhiều động cát cheo leo ven biển mới tới được “giếng cổ”. Giếng nằm ở một nơi hoang vắng, cách mép nước biển khoảng 5m. Miệng rộng khoảng 1,2m, nằm sát mặt đất.
Bên dưới giếng rộng hơn một chút, từ miệng xuống đến đáy gần 10m. Thành giếng có 3 lớp với lớp trên cùng làm bằng bi bêtông, sâu gần 2m, do chính tay anh Hưng đặt xuống; lớp thứ 2 cũng bằng bêtông sâu hơn 1m và cuối cùng là lớp đá sâu khoảng 6m.
“Khi đào giếng tới độ sâu đó tui thấy có nước nên dừng lại, nếu không có mạch nước vẫn có thể đào sâu hơn nữa. Tui không gặp vật cản gì hay thấy điều gì bất thường khi đào giếng hết”, anh Hưng kể lại lúc đào giếng lấy nước.
Ông Nguyễn Văn Cư (ngụ thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong) cho hay nếu quả thực có kho báu 4.000 tấn vàng ở Núi Tàu hay tại khu vực cửa Sứt, xã Phước Thể thì nhóm thợ rà phế liệu làm chung với ông những năm trước đã rà thấy.
“Tụi tôi cũng rà nhưng chỉ thấy phế liệu lặt vặt chôn dưới đất. Nhiều vàng như vậy thì máy rà tìm thấy ngay rồi. Hiện ít người còn làm nghề này vì phế liệu ngày một ít, chỉ có đồ sứ cổ chôn dưới đất thì máy rà tìm không ra chứ kim loại thì dễ thôi”, ông Cư khẳng định.
Một cán bộ có chức trách từng tham gia đoàn giám sát của Nhà nước trong dự án kho báu Núi Tàu cho hay theo quy định người dân trình báo có kho báu thì cơ quan quản lý phải phối hợp xác minh theo quy định.
Ông cho hay Núi Tàu không có dấu hiệu gì của kho báu 4.000 tấn vàng nên đầu tháng 3-2015, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ra thông báo thống nhất chủ trương chấm dứt việc thực hiện thăm dò tài sản nghi bị chôn giấu tại Núi Tàu.
Đồng thời không bình luận gì về 3 “giếng cổ” nghi chứa kho báu mà người đàn ông đến từ TP.HCM vừa trình báo.
Hoàn thổ, khôi phục môi trường Núi Tàu Tin câu chuyện có kho báu do một vị tướng lãnh người Nhật Bản chôn giấu ở Núi Tàu trong Thế chiến thứ 2, lên đến 4.000 tấn vàng, từ năm 1993 đến tháng 10-2011 ông Trần Văn Tiệp (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và một số cộng sự tổ chức thăm dò, đầu tư nhiều tiền của để tìm manh mối về kho báu nghi chôn giấu tại đây. Đến ngày 10-10-2011, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt phương án thăm dò tài sản nghi bị chôn giấu tại Núi Tàu, thực hiện trong 9 tháng (từ ngày 10-10-2011 đến 10-7-2012). Ông Trần Văn Tiệp đã ký quỹ 500 triệu đồng gửi vào Kho bạc Nhà nước Bình Thuận để chuẩn bị cho việc hoàn thổ sau khi kết thúc việc thăm dò. Tiếp đó UBND tỉnh Bình Thuận cho gia hạn thời gian thăm dò đến ngày 10-10-2012 sau quá trình tìm kiếm không thấy kho báu. Sau đó hoạt động thăm dò kho báu lần thứ 2 được cho gia hạn đến hết ngày 30-6-2013. Lần thứ 3 cho gia hạn kéo dài thêm một năm nữa, đến 31-12-2014 và đơn vị thăm dò đã tiến hành nổ mìn công nghiệp 7 đợt, tổng số lượng thuốc nổ 1.889kg, khối lượng đất đá được múc lên 610m3 từ các hố nổ mìn. Hết thời hạn trên, gia đình ông Tiệp xin cho gia hạn nữa, nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận khẳng định không có kho báu tại đây. Đến đầu tháng 3-2015, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ra thông báo thống nhất chủ trương chấm dứt việc thực hiện thăm dò tài sản nghi bị chôn giấu tại Núi Tàu và yêu cầu gia đình ông Tiệp thực hiện hoàn thổ, khôi phục môi trường tại khu vực đã tác động thăm dò theo nội dung đã cam kết. Hiện nay gia đình ông Tiệp đã hoàn thành việc hoàn thổ và Nhà nước đã trả lại 500 triệu đồng tiền ký quỹ. |