Tân Chủ tịch Quốc hội và dấu ấn "nữ kiệt xứ dừa"

01/04/2016 11:32:35

Góp phần xây dựng hạ tầng nông thôn mới ở Hải Dương, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng được nhớ đến với chiến dịch giải cứu 10.000 lao động Việt khỏi vùng chiến sự Libya.

Góp phần xây dựng hạ tầng nông thôn mới ở Hải Dương, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng được nhớ đến với chiến dịch giải cứu 10.000 lao động Việt khỏi vùng chiến sự Libya.

'Nữ kiệt phương Nam làm quan đầu tỉnh xứ Đông'

Sinh ra ở Bến Tre, trải qua các vị trí lãnh đạo ở tỉnh này, bà Ngân được người dân ưu ái đặt biệt danh "nữ kiệt xứ dừa".

Năm 1995 khi đang làm Giám đốc sở Tài chính tỉnh Bến Tre, bà được rút ra Hà Nội làm Thứ trưởng Tài chính.
 

Bà Kim Ngân khi đang làm Bộ trưởng Lao động. Ảnh: PL PHCM.


Năm 2002, bà được phân công về làm Bí thư Hải Dương (xứ Đông). Thời điểm này, bà là người phụ nữ duy nhất cả nước giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

Sau 40 tháng sống và làm việc tại Hải Dương, bà để lại trong lòng người dân hình ảnh một nữ Bí thư Tỉnh ủy nón lá, áo bà ba duyên dáng nhưng cũng rất cá tính. Rời Hải Dương, bà để lại một hạ tầng nông thôn mới phát triển, các khu công nghiệp hiện đại và tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao.

Cuộc giải cứu lao động Việt lớn nhất lịch sử

Tháng 1/2011, Libya chấn động vì làn sóng biểu tình của hàng nghìn người chống chính phủ. Đất nước Trung Đông rối loạn, ngập chìm trong bạo lực và tiếng súng. Tính mạng của hơn 10.000 lao động Việt Nam tại nước này bị đe dọa.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi, do Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Lao động Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu.

Người Việt ở Libya được hướng dẫn di chuyển tránh xa vùng chiến sự, liên tục kết nối thông tin. Cuối tháng 2, Việt Nam bắt đầu chiến dịch sơ tán công nhân về nước.
 

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân ra máy bay đón lao động VN từ Libya về nước vào tối 1/3. Ảnh: NH.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ trong đó có sự quyết liệt của Bộ trưởng Kim Ngân, ngày 26/2, những lao động Việt Nam đầu tiên về đến sân bay Nội Bài.

"Trong cuộc giải cứu này không có chuyện mặc cả tiền bạc, điều kiện mà mục đích là nhanh chóng đưa người lao động về an toàn", Bộ trưởng Ngân khẳng định với người dân cả nước trong bối cảnh "căng như dây đàn".

Thông điệp rõ ràng từ Bộ trưởng khiến các gia đình có người thân ở vùng chiến sự giải tỏa phần nào nỗi lo lắng. Mỗi chuyến bay đáp xuống, Nội Bài lại tràn ngập nụ cười và nước mắt hạnh phúc.

Ngày 9/3, chuyên cơ cuối cùng đưa 209 công nhân về nước; hơn 1.000 người đi tàu biển cập cảng Cái Lân một tháng sau đó đánh dấu hoàn tất cuộc sơ tán người Việt lớn thứ hai trong lịch sử, sau vụ sơ tán lao động trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

So với các nước có lao động làm việc tại Libya, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hoàn thành việc sơ tán công dân. Quan trọng hơn, 10.000 lao động chính trong các gia đình đều an toàn, mạnh khỏe, được hỗ trợ tìm việc làm mới.

Phó chủ tịch Quốc hội được tín nhiệm

Đắc cử Phó chủ tịch Quốc hội tháng 7/2011, bà Kim Ngân được nhận xét là thông minh, quyết đoán trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.

Bà được nhớ đến với những phát biểu: "Ở Việt Nam có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là luật phổ biến giáo dục pháp luật. Có nghĩa, luật ban hành ra rồi vẫn không làm, đến khi ra thêm luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng... chưa làm".

Tóm tắt 5 nguyên nhân khiến luật không đi vào cuộc sống, bà quyết liệt: "Chúng ta chưa từng xử lý một bộ, ngành nào chưa nghiêm túc triển khai thực hành pháp luật thì giờ ta phải siết chặt kỷ luật, chứ không phải là nâng cao nhận thức cho họ nữa".

Cho ý kiến về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi năm 2014, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không được phân biệt sinh viên chính quy và không chính quy. "Cán bộ Văn phòng Quốc hội trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự thì vẫn phải đi nghĩa vụ", bà Ngân nhấn mạnh. Tuy nhiên, bà cũng đề nghị cho lựa chọn thời điểm thực hiện nghĩa vụ quân sự linh hoạt.

Với sự sắc sảo trên nghị trường, hai lần lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, bà Ngân đều dẫn đầu danh sách "tín nhiệm cao". Năm 2013, bà đạt 372 phiếu "tín nhiệm cao" và năm 2014, bà đạt "tín nhiệm cao" nhiều nhất với 390 phiếu.
 

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân được đánh giá là người phụ nữ có ảnh hưởng tại Việt Nam. Ảnh: Giang Huy.

'Người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam'

2016 - năm đầu tiên công bố 20 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, Forbes Việt Nam bầu chọn bà Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu danh sách.

Tạp chí này đánh giá bà đã thành công trên các vị trí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, trên vai trò Phó Chủ tịch Quốc hội bà cũng thể hiện sự sắc sảo, quyết đoán, mới mẻ khi điều hành các phiên họp cũng như khi thảo luận trực tiếp tại tổ.

Kinh qua công tác quản lý từ địa phương đến trung ương, trải đều các lĩnh vực kinh tế - tài chính, thương mại, lao động - xã hội. "Với trọng trách đó, bà Ngân là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam hiện nay", Forbes nhận định.
 
Ngày 31/3, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Quốc hội thay ông Nguyễn Sinh Hùng, với hơn 90% đại biểu tán thành. Là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, bà đồng thời là người đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức. Lời tuyên thệ có đoạn "Tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó".
 
>> Nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam: Một quan chức bình dị
>> Báo chí quốc tế nói về tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
>> Bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội
>> Phút tuyên thệ nhậm chức của bà Nguyễn Thị Kim Ngân

Theo Hoàng Thuỳ (VnExpress.net)

Nổi bật