"Tôi không nghĩ đau đớn sẽ giúp trẻ sửa sai và trưởng thành. Tôi cũng không nghĩ các hình phạt sẽ làm tốt điều đó." |
Bạn thử nghĩ mà xem, có đứa trẻ nào lớn lên mà không có vài vết bầm, thậm chí là sẹo trên người? Trẻ hiếu động, ưa khám phá. Vài lần va vào tường, dăm ba bận "giáp lá cà" với bạn, thế là da tím bầm, thậm chí trầy xước và để lại sẹo. Một lớp 15 - 20 bé nhưng chỉ có 2 giáo viên. Mà có đến 10 giáo viên thì chẳng một ai dám đảm bảo bé đi học mà không có một vết bầm nào. Không muốn con có tổn thương ngoài da, tức là cấm con nô đùa và vận động, cũng là cấm con tự do khám phá. Các cô có thể chịu áp lực. Nhưng các con sẽ lớn lên bằng cách nào? Trí não các con sẽ phát triển ra sao với những bài học yêu cầu các con chỉ-ngồi-một-chỗ? Đừng chỉ vì một vài giáo viên thiếu đạo đức nghề nghiệp mà các bạn đánh đồng cả một ngành nghề. Bởi vì, tôi và các đồng nghiệp của tôi vô cùng yêu nghề và yêu trẻ.
Tôi đã học sư phạm mầm non 4 năm, thêm 3 năm kinh nghiệm dạy và chăm sóc trẻ, tôi hiểu hơn ai hết trách nhiệm của mình, những điều mình được phép và không được phép làm. Phụ huynh hỏi tôi có đánh các bé không. Tôi nói có, trong một số trường hợp hi hữu. Nhưng, đó chỉ là những cái tét nhẹ vào mông hay tay khi các con đánh bạn, đập bể đồ đạc hay chống đối bằng cách hất đổ chén cơm. Những cái tét rất nhẹ bằng tay để các con nhận ra điều mình làm là không đúng, chúng không khiến các con đau. Tôi không nghĩ đau đớn sẽ giúp trẻ sửa sai và trưởng thành. Tôi cũng không nghĩ các hình phạt sẽ làm tốt điều đó.
"Chẳng có phụ huynh hay giáo viên nào muốn trẻ lớn lên trong sợ hãi." |
Khi trẻ mắc lỗi, điều tôi làm thường xuyên nhất chính là để trẻ hiểu được cảm nhận của cô và các bạn khác. Như khi trẻ đánh bạn, tôi sẽ hỏi con "Bây giờ con có muốn bạn đánh con không?". Khi trẻ bảo "Không", tôi sẽ hỏi ngược lại "Vậy tại sao con lại đánh bạn?"… Tôi thích trò chuyện với trẻ. Đó là cách tốt nhất để hiểu mong muốn, cảm xúc và tính cách của các con. Các con sẽ thấy vui khi tôi nhớ cả những điều nhỏ nhặt nhất, như con thích uống sữa ít đường, thích ăn đậu phộng rang mặn hay ăn cơm thật mềm nhưng không quá dẻo.
Có phụ huynh hỏi khéo, rằng lúc các con quấy khóc, tôi có "phát điên" lên không. Có chứ! Điên chứ! Nhưng không phải giáo viên nào cũng mất kiểm soát tới mức bạo hành trẻ. Tức giận không phải là lý do. Vì chẳng có lý do nào để các cô có quyền bạo hành trẻ và bao biện cho hành vi phản giáo dục của mình. Khi trẻ kiên quyết không chịu hợp tác, tôi cũng có những biện pháp riêng để thuyết phục trẻ: Đánh lạc hướng trẻ bằng một trò chơi nhỏ, trò chuyện với trẻ, bất đắc dĩ lắm thì tạm thời lờ tịt đi, giả vờ như không quan tâm tới con nữa… Trẻ tức giận, các cô càng phải bình tĩnh chứ không thể dùng sự tức giận của mình để trấn áp trẻ. Chẳng có phụ huynh hay giáo viên nào muốn trẻ lớn lên trong sợ hãi.
"Hàng trăm dòng bình luận giận dữ, chửi bới, phán xét ở phía dưới khiến tôi đau." |
Tôi cũng từng xem các clip giáo viên/ bảo mẫu bạo hành trẻ. Nhưng bây giờ, tôi không có đủ can đảm để xem nữa. Tôi không xấu hổ. Tôi chỉ cảm thấy tức giận và tổn thương. Tôi thương các con, thương nghề và thương các bạn đồng nghiệp. Hàng trăm dòng bình luận giận dữ, chửi bới, phán xét ở phía dưới khiến tôi đau.
Từ một giáo viên rất tự hào về công việc của mình, có một khoảng thời gian, tôi cảm thấy tổn thương khi có rất nhiều người nhìn tôi với ánh mắt thiếu thiện cảm sau khi nghe tôi giới thiệu mình là giáo viên mầm non. Họ kể trường X. cô giáo nhét giẻ vào miệng trẻ, trường Y. có cố giáo đạp vào bụng trẻ, rồi giáo viên bây giờ ghê quá, thiếu đạo đức quá, mất hết tính người… Họ kể tội, bàn luận, đánh giá, phán xét ngay giữa buổi tiệc khiến tôi chực khóc.
Mẹ tôi từng khuyên tôi bỏ nghề. Nhưng tôi còn yêu nghề lắm. Tôi còn muốn gặp các con mỗi ngày, muốn thơm lên má các con, dạy các con vẽ, hát và ném bóng. Các bạn có thể mất niềm tin ở chúng tôi, phụ huynh có thể nghi ngờ nghiệp vụ sư phạm lẫn đạo đức của chúng tôi, gia đình xót xa cho chúng tôi, nhưng còn các con. Chừng nào các con còn thương yêu chúng tôi, chừng nào chúng tôi còn yêu nghề, thì dù khó khăn thế nào, chúng tôi cũng sẽ không dừng lại. Tôi và các cô giáo trong trường đã tự động viên nhau như thế. Con sâu làm rầu nồi canh. Nghề nào mà chẳng vậy.
Chiều hôm qua, có một phụ huynh đã hỏi con ngay ở trước cửa lớp, rằng "Hôm nay con có bị cô N. đánh không?". Chị ấy hỏi khẽ thôi, nhưng tôi vẫn nghe thấy. Và tôi còn nghe thấy con trả lời mẹ rằng: "Không, cô N. không đánh con. Cô N. yêu con mà". Nghe con nói xong, tôi chỉ muốn khóc, bạn ạ!
* Tác giả đang là giáo viên một trường mầm non ở Q.2, TP.HCM, chị đề nghị được giấu tên để tránh ảnh hưởng đến nhà trường
Theo H.N (afamily.vn/Trí Thức Trẻ)