Thỏa thuận đi Úc nhưng đưa sang Ả-rập
Đã về nước được một thời gian nhưng chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1981, quê tỉnh Tây Ninh, ngụ tại quận 7, TP.HCM) vẫn còn chưa hết bàng hoàng, hoảng sợ kể về khoảng thời gian chị sống trong cảnh "địa ngục trần gian" khi đi xuất khẩu lao động ở đất nước Ả-rập Xê-út.
Nhắc lại chuyện đi xuất khẩu lao động, chị Thanh vẫn nước mắt ngắn dài. Chị bảo: "Chuyện như xảy ra ngày hôm qua, mỗi lần nằm ngủ, nhớ lại chuyện này, tôi vẫn còn thấy ác mộng. Tôi lập gia đình đã lâu nhưng vì vợ chồng sống không hợp nhau nên chúng tôi ly hôn. Sau khi chia tay, tòa án cho tôi được quyền nuôi con".
"Đầu năm 2014, sau khi ra sống riêng, hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng khó khăn… Chính vì thế, qua một số người quen giới thiệu, tôi được một người phụ nữ tên là Mary (SN 1978, làm chuyên viên tư vấn và tiếp nhận hồ sơ của công ty giới thiệu việc làm, có trụ sở ở TP.Hải Phòng, thường trú ở tỉnh Tây Ninh) giới thiệu đi xuất khẩu lao động sang Úc để giúp việc nhà với mức lương 500USD. Người này lo cho tôi đi mà không phải mất bất kỳ chi phí nào…", chị Thanh chia sẻ.
Khi nghe người phụ nữ tên Mary nói như vậy, cũng như bao người phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn khác, chị Thanh đã gửi con cho mẹ ruột rồi đi xuất khẩu lao động. "Lúc đó, tôi nghĩ rằng cố gắng đi xuất khẩu lao động vài năm để có một chút vốn liếng, vừa giành dụm cho con ăn học vừa lấy vốn làm ăn…", chị Thanh cho biết.
Thế nhưng, chị Thanh không thể ngờ rằng, từ khi quyết định đi xuất khẩu lao động, chị đã phải chịu bao cảnh ngang trái, éo le. Bởi, ban đầu, theo thỏa thuận, bên môi giới xuất khẩu lao động hứa cho chị qua Úc làm việc. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn tất hồ sơ, chị Thanh lại đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập Xê-út.
Sau khi "ván đã đóng thuyền", phía công ty môi giới xuất khẩu lao động cũng như Mary trấn an chị và cho biết Ả-rập Xê-út cũng là một đất nước khá tốt. Những người môi giới đã vẽ ra bao viễn cảnh khiến chị Thanh cứ tưởng rằng đất nước giàu dầu mỏ này sẽ mở ra cho chị bao ước mơ. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân đến nước bạn, chị đã gặp phải những nỗi tủi nhục từ bị quỵt tiền, áp bức, đánh đập đến cưỡng hiếp,…
Phục vụ 11 người từ 4h sáng đến 24h đêm
Sau khi hoàn tất các thủ tục xuất cảnh, ngày 10/4/2014, chị Thanh cùng bao chị em khác đặt chân đến nước Ả-rập Xê-út. Chị kể: "Không có bất cứ ai ra đón chúng tôi như bản hợp đồng mà chúng tôi đã ký. Tôi cùng nhiều chị em phụ nữ khác của các nước bị đưa vào một trại tập trung và bị tịch thu hết giấy tờ tùy thân,...".
"Lúc đó, tôi vô cùng hoảng sợ. Chúng tôi giống như dân tị nạn bị lùa vào một "chuồng" cách ly vậy. Lúc đó, ngôn ngữ thì không biết, chúng tôi chỉ biết nói với nhau bằng các cử chỉ chân tay…", chị Thanh cho hay.
Sau gần một ngày chờ đợi, chị Thanh cũng như nhiều chị em khác được các ông chủ đến bảo lãnh đưa về. Căn nhà nơi chị Thanh làm giúp việc nằm ở Al Nazeem, TP.Riyadh, Ả-rập Xê-út. Cũng theo chị Thanh, trong nhà lúc đầu chỉ có bố mẹ già (người chồng 70 tuổi, người vợ cũng xấp xỉ 70 tuổi bị bệnh tiểu đường), một người con gái và hai người con khác đang đi học. Tuy nhiên, sau đó còn có 6 người chị em họ hàng, con cháu đến ở bắt chị phải phục tùng từng tý một.
"Từ 4h sáng cho tới 24h đêm, họ yêu cầu tôi phải làm tất cả mọi việc trong nhà từ cọ rửa nhà vệ sinh, dọn dẹp, lau chùi mọi vật dụng trong nhà, nấu ăn, cho tới các việc lặt vặt khác,… Cứ thấy tôi rảnh tay là họ bảo vào cọ rửa nhà cầu dù trước đó tôi đã làm rất sạch…", chị Thanh cho biết.
Ngoài ra, đến tháng số tiền lương chị Thanh nhận được chỉ có 300USD, ít hơn rất nhiều so với số tiền đã ký hợp đồng trước đó. "Số tiền lương này những người chủ tại đây không chủ động trả tiền cho tôi mà cứ phải bắt tôi phải đòi, yêu cầu trả thì họ mới trả. Còn không là họ im luôn,..." chị Thanh cho hay.
(tên nhân vật đã được thay đổi)
(Còn nữa)
Theo Dương Hạnh (Nguoiduatin.vn)