Từ đầu đợt dịch đến nay, những hình ảnh về người chiến sĩ áo trắng nằm nghỉ ở vệ đường, ngất xỉu vì kiệt sức, ăn vội bữa cơm khô giữa tiết trời nắng nóng... vẫn hằn in trong trí nhớ của rất nhiều người.
Rơi nước mắt hình ảnh nơi tuyến đầu chống dịch
Ngày ngày, họ phải mang lớp áo bảo hộ kín mít, hoạt động hết công suất để hoàn thành tốt công tác phòng chống dịch. Mỗi bức ảnh ghi lại tình trạng sức khỏe của các y bác sĩ đều khiến dư luận không khỏi xót xa, nghẹn ngào.
Mới đây, hình ảnh một vị bác sĩ cởi bỏ bộ đồ vướng víu và tấm lưng của anh đỏ ửng, phồng rộp cả lên vì cháy nắng đã khiến nhiều người vô cũng xót xa. Nếu không tận mắt chứng kiến hình ảnh này, liệu mấy ai biết được các bác sĩ còn phải chịu cảnh cháy da cháy thịt vì phơi mình giữa cái nắng đầu hè?
Giữa tiết trời nắng nóng của mùa hè, thay vì được ngồi ở phòng điều hòa mát lạnh thì lực lượng y tế phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ bí bách, khó chịu. Nhiều người không dám uống nước vì sợ phải cởi đồ bảo hộ để đi vệ sinh. Một số khác thì mệt đến mức phải nhờ đồng nghiệp tháo giúp quần áo bảo hộ.
Số khác cố gắng chợp mắt trong chốc lát dù ở bất cứ đâu, hành lang hay bên đường, ghế đá hay cầu thang..., rồi đứng dậy tiếp tục nhiệm vụ chống dịch, mang lại bình an cho người dân.
Gác niềm riêng để gánh nỗi lo chung
Những bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch - họ đã phải làm việc miệt mài không quản đêm ngày, ăn vội bữa cơm trưa trệu trạo khi mồ hôi và nước mắt thi nhau chảy xuống, tang mẹ chẳng thề về, con trai thì sắp quên mặt bố... Bởi vì nhiệm vụ, bởi vì trách nhiệm phải gánh vác trên vai, những chiến sĩ áo trắng đã phải đi hết tâm dịch này đến tâm dịch khác, lần này, các bác sĩ lại tiếp tục chiến đấu với nhiều ổ dịch lớn.
Trước đó, ngày 15/5, trung sĩ Phùng Minh Phục - công tác tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An - hay tin mẹ đột ngột qua đời. Do tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp nên anh đành nén đau thương ở lại khu cách ly để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Biết được sự việc này, chỉ huy đơn vị đã chấp thuận cho trung sĩ Phục lập bàn thờ mẹ tại khu cách ly phòng chống dịch để anh và đồng đội bái vọng người đã khuất.
Hình ảnh trung sĩ Phùng Minh Phục chịu tang mẹ khi đang làm nhiệm vụ ở khu cách ly được đưa lên mạng xã hội đã khiến cộng đồng mạng dâng trào cảm xúc. Nhiều người đã để lại những lời động viên kèm theo lời chúc sức khỏe, mong anh hoàn thành nhiệm vụ, sớm trở về nhà.
Hay như trong ngày 15/5, mạng xã hội cũng xuất hiện một bài viết đầy cảm xúc của nữ bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), chia sẻ về chuyện đau lòng của những đồng nghiệp:
"Thứ 7, ngày thứ 10 cách ly. Các bạn đã bao giờ nhìn thấy một bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa?
Tôi của ngày hôm nay đấy!
Sáng, nhận được tin mẹ của một đồng nghiệp, một người em tại bệnh viện vừa qua đời đêm qua. Hiện, hai vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng trĩu nặng…
Đang họp giao ban bệnh viện, nhận được tin một điều dưỡng bị một bệnh nhân Ccovid-19 lao vào phòng hành chính khoa to tiếng, rồi bóp cổ vì bệnh nhân yêu cầu bạn ấy cung cấp số điện thoại của giám đốc bệnh viện và bạn ấy đang cố giải thích là không có và chờ bạn ấy gọi điện thoại báo cáo lãnh đạo khoa. Nghĩ đến một nữ điều dưỡng chắc cao tầm 1m50, nặng khoảng bốn mấy cân đó bị bệnh nhân bóp cổ mà nước mắt không kìm lại được, cứ tuôn rơi…
Lúc đó, lại nhận được tin có bệnh nhân COVID-19 có diễn biến, cần thăm khám luôn. Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân…
Xử trí xong bệnh nhân, quay lại thấy các điều dưỡng lầm lũi đẩy xe cơm đi phát cơm cho các bệnh nhân cho cả người vừa bóp cổ đồng nghiệp của mình…
Làm sao để vững vàng bước tiếp đây? Làm sao để trả lời được câu hỏi vì sao mình chọn công việc này?".
"Chúng em rất cần những chai chanh muối"
Đó là lời khẩn thiết từ một nữ đoàn viên thanh niên đang làm nhiệm vụ tình nguyện trong khu vực cách ly ở Núi Hiểu, Quang Châu, Bắc Giang. Trong đoạn clip trên TikTok hiện đang được chia sẻ mạnh mẽ, bằng chất giọng đầy nghẹn ngào, nữ tình nguyện viên chia sẻ về tình hình hiện tại của cô, các đoàn viên và lực lượng y tế nơi đây.
"Chúng em rất cần những chai chanh muối. Hiện tại bây giờ các bác sĩ cũng như đoàn viên bọn em thực sự đã kiệt sức rồi", cô nói.
Cũng theo chia sẻ của những tình nguyện viên nơi đây, hiện tại do diễn biến dịch đang vô cùng căng thẳng và nơi cô đang làm nhiệm vụ lại là điểm nóng của tỉnh Bắc Giang nên tình hình nơi đây rất căng thằng. Bên cạnh việc phải làm việc ngày đêm, các y bác sĩ, tình nguyện viên, đoàn viên nơi đây cũng phải đối mặt với rất nhiều thiếu thốn.
"Có những lúc các bác sĩ phải chia nhau từng ổ bánh mỳ", một tình nguyện viên chia sẻ.
Hơn 1 tháng qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều người trong ngành y tế, quân đội, công an... đã rời xa gia đình và người thân, hy sinh hạnh phúc riêng tư để bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. Không ít người đã kiệt sức, ngất xỉu sau cả ngày làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Thậm chí, khi người thân qua đời, vì nhiệm vụ chống dịch cần kíp, cấp bách, họ cũng không thể về nhà để thọ tang...
Hiện nay, Bắc Giang đang là điểm nóng nhất của dịch, với trên 1000 ca dương tính. Địa phương này tuy phát hiện bệnh nhân muộn nhưng tăng chóng mặt, có ngày phát hiện 300 ca dương tính mới, hàng chục ngàn người đi cách ly, vì vậy lúc này "sờ" đến cái gì cũng thiếu.
Vì vậy, nếu chúng ta không thể thay họ chữa bệnh cứu người thì cũng đừng khiến họ phải vất vả hơn. Mỗi người nên thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch theo quy định, đang ở chỗ nào hãy ở yên chỗ đó, chấp hành đầy đủ 5K và khai báo y tế. Có như thế, dịch mới chóng qua đi và bình an mới hiện hữu, cuộc sống của chúng ta mới sớm trở lại bình thường!
Theo Minh Khôi (Pháp Luật & Bạn Đọc)