Tạm dừng bổ nhiệm mới ở nhiều đơn vị công an

09/10/2017 14:33:00

Để thuận lợi cho quá trình chuẩn bị đề án, gần hai năm nay ngành công an đã tạm dừng việc tuyển dụng mới từ ngoài ngành.

Để thuận lợi cho quá trình chuẩn bị đề án, gần hai năm nay ngành công an đã tạm dừng việc tuyển dụng mới từ ngoài ngành.

Trong lúc Hội nghị Trung ương 6 thảo luận, xem xét thông qua một nghị quyết chung về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn thì Bộ Công an cũng đang tập trung xây dựng đề án riêng để tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế của chính mình, sớm trình Bộ Chính trị quyết định.

Tạm dừng bổ nhiệm mới ở nhiều đơn vị công an
 

Tin từ một số đơn vị trong Bộ Công an cho biết gần đây ban chỉ đạo đề án của Bộ liên tục có các cuộc làm việc với các đầu mối để nắm bắt thông tin, đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy, về tổ chức, biên chế. Các phương án về sáp nhập, giảm đầu mối cũng đang được tính toán.

Để thuận lợi cho quá trình chuẩn bị đề án, gần hai năm nay ngành công an đã tạm dừng việc tuyển dụng mới từ ngoài ngành. Ngoài ra, gần đây bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu tạm dừng việc bổ nhiệm mới cán bộ, nhất là cấp hành chính trung gian và những đơn vị nằm trong phương án sáp nhập, sắp xếp lại. Các nguồn tin cho hay nhiều trường hợp đã có quyết định bổ nhiệm đợt này, giờ phải rút lại. “Cũng có chút tâm lý song nhìn chung mọi người đều nghiêm túc chấp hành, vì bộ máy mấy năm trước phình to quá rồi” - một cán bộ thuộc diện bị ảnh hưởng chia sẻ.

Hiện tại lực lượng công an đang hoạt động trên cơ sở Nghị định 106/2014 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Nay hoàn thiện đề án tổ chức, bộ máy mới và được Bộ Chính trị thông qua thì Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới hoặc sửa đổi Nghị định 106/2014 làm cơ sở pháp lý thúc đẩy quá trình sắp xếp lại bộ máy Bộ Công an.

Thực tế, Bộ Công an đã có thời điểm phình to, nhất là khi tách, đổi tên từ sáu tổng cục lên tám theo Nghị định 77/2009. Nhiều đơn vị cấp cục hình thành, kèm theo là tăng biên chế, mở rộng, đầu tư mới cơ sở vật chất… Năm năm sau, thấy mô hình này quá cồng kềnh, tốn kém mà hiệu quả không cao, Bộ Chính trị chỉ đạo và rồi Chính phủ ban hành Nghị định 106 thu gọn trở lại sáu tổng cục. Tuy nhiên, số đơn vị cấp cục, phòng… và quân số cả trên Bộ và công an các tỉnh, thành không giảm được bao nhiêu.

Đề án tổ chức, bộ máy mới mà Đảng ủy Công an trung ương đang nghiên cứu, xây dựng hy vọng sẽ tiếp tục tinh gọn đầu mối và tinh giản biên chế toàn ngành theo hướng hiệu quả, thông suốt hơn. Đây cũng là tinh thần mà lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh trong các cuộc gặp gỡ báo chí từ sau Đại hội XII tới nay. Theo đó, “lực lượng công an nỗ lực để đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4”. Trong nghị quyết quan trọng này, nội dung “kiên quyết thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ…” là nhiệm vụ, cũng là giải pháp.

Ngoài hai bộ là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sẽ phải xây dựng đề án riêng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, khu vực dân sự còn lại gồm các bộ, ngành ở trung ương, chính quyền các địa phương cũng đang rà soát, thu gọn đầu mối, biên chế bám sát Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị ban hành năm 2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Quá trình này hy vọng tiếp tục được thúc đẩy sau khi Hội nghị Trung ương 6 này ban hành hai nghị quyết có hiệu lực cao hơn, đều liên quan đến tổ chức bộ máy: Một là chung cho cả hệ thống chính trị, một là riêng cho khu vực sự nghiệp công lập.

Theo Nghĩa Nhân (Pháp Luật TPHCM)

Nổi bật