Tài xế Santa Fe gây tai nạn liên hoàn khai 'bị bệnh động kinh' sẽ đối diện án phạt nào?

30/07/2022 14:30:25

Nếu tại thời điểm lái xe gây tai nạn, tài xế mắc bệnh động kinh đến mức không kiểm soát được hành vi của mình, thì sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Khoảng 20h45 ngày 8/7, vụ đâm xe liên hoàn xảy ra tại nút giao Quang Trung - Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội. Chiếc xe Santa Fe do Hà Thanh Hưng (45 tuổi, trú phường La Khê, quận Hà Đông) tông liên hoàn vào một xe biển đỏ, một taxi 5 chỗ, một ôtô bán tải. Các phương tiện này sau đó va vào 5 xe máy.

Vụ tai nạn khiến một người tử vong, một người bị gãy chân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, 4 người khác bị thương nhẹ. Bốn nạn nhân bị thương nhẹ đều ra viện vào khoảng 22h cùng ngày.

Cảnh sát bước đầu nhận định Hưng không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn. Công an quận Hà Đông đã tạm giữ Hà Thanh Hưng đồng thời làm các xét nghiệm liên quan đến nồng độ cồn và ma túy đối với nam tài xế. Theo báo cáo ban đầu, tài xế trên âm tính với ma túy và không ghi nhận có nồng độ cồn trong cơ thể.

Tài xế Santa Fe gây tai nạn liên hoàn khai 'bị bệnh động kinh' sẽ đối diện án phạt nào?
Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn tại Hà Đông. 

Ngày 29-7, tại trụ sở công an, Hà Thanh Hưng khai có tiền sử bị bệnh động kinh nặng, mỗi khi lên cơn gần như trí nhớ không còn. Thời điểm xảy ra tai nạn, không biết đã gây ra chuyện gì.

“Khi đó bao nhiêu người hỏi, tôi chỉ biết xin lỗi”, nam tài xế nói.

Trao đổi với Zing, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) đánh giá đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ các yếu tố liên quan tới vụ tai nạn, xác định nguyên nhân do khách quan (lỗi kỹ thuật, xe trục trặc...) hay do lỗi của người điều khiển, từ đó xác định căn cứ để ra quyết định có hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp đủ căn cứ chứng minh tài xế Hưng đã mất kiểm soát tốc độ, chủ quan, không tuân thủ các quy tắc điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ, cơ quan điều tra có thể ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra theo quy định.

Nếu tài xế bị khởi tố về tội danh này, khung hình phạt áp dụng sẽ là phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm. Trường hợp gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ ở mức 122-200%, khung hình phạt là 3-10 năm tù.

Trường hợp thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc tổng tỷ lệ thương tật của nạn nhân trên 200%, khung hình phạt áp dụng sẽ là 7-15 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, người gây tai nạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng và sức khỏe bị xâm phạm cho các nạn nhân và gia đình, căn cứ các Điều 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Tài xế Santa Fe gây tai nạn liên hoàn khai 'bị bệnh động kinh' sẽ đối diện án phạt nào? - 1
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Với thông tin từ gia đình cho biết, tài xế Santa Fe có tiền sử bệnh động kinh, chia sẻ trên báo Giao Thông luật sư Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu gia đình cung cấp hồ sơ bệnh án, đơn thuốc và làm rõ quá trình điều trị tâm thần của tài xế này.

Nếu cần thiết, sẽ trưng cầu giám định tâm thần để xác định tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra, người này có mắc bệnh đến mức làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi hay không.

"Trong trường hợp có căn cứ cho thấy tại thời điểm lái xe gây tai nạn, người đàn ông này mắc bệnh tâm thần đến mức không kiểm soát được hành vi của mình thì người này sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Còn trường hợp kết quả giám định pháp y tâm thần cho thấy, tuy có tiền sử bệnh tâm thần nhưng tại thời điểm thực hiện hành vi lái xe gây tai nạn, người này hoàn toàn nhận thức, điều khiển được hành vi của mình, vụ tai nạn do lỗi của người này thì cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự", ông Cường nêu quan điểm.

Ông Cường cho biết, theo lời khai của gia đình, tài xế này thì trong thời gian điều trị bệnh tâm thần vẫn được cấp giấy phép lái xe (GPLX) và vẫn điều khiển phương tiện giao thông tham gia giao thông bình thường.

"Đây là sự việc không thể xem nhẹ, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hồ sơ, thủ tục cấp GPLX cho tài xế này được thực hiện như thế nào? Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có hành vi cấp GPLX cho người tâm thần dẫn đến hậu quả người này tham gia giao thông và gây tai nạn chết người thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội giả mạo trong công tác, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc các tội danh khác có liên quan đến thủ tục cấp GPLX", luật sư Cường nêu quan điểm.

Ông Cường nói thêm, trường hợp tại thời điểm sát hạch, cấp GPLX, người này đã điều trị ổn định, kết quả khám sức khỏe đủ điều kiện để lái xe mà sau khi được cấp GPLX bệnh mới tái phát, thì cơ quan chức năng sẽ không xem xét trách nhiệm của đơn vị cấp GPLX.

"Cơ quan điều tra sẽ thận trọng trong việc thu thập thông tin, đánh giá chứng cứ, đặc biệt là khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của người đàn ông này khi vụ tai nạn xảy ra để xử lý theo đúng quy định pháp luật", luật sư Cường nói.

PN (Nguoiduatin.vn)