Ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ tài xế xe ô tô Camry say xỉn, dừng đỗ xe giữa đường để ngủ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cho đơn vị quân đội xử lý theo thẩm quyền. Danh tính người này là L. M. H. (SN 1973, trú tại Hà Nội - được xác định đang công tác tại Học viện Hậu cần).
Cũng trong sáng nay, một cán bộ Công an quận Thanh Xuân thông tin, theo kết quả kiểm tra, tài xế này có nồng độ cồn mức 0,150 mg/l khí thở.
"Do vụ việc có dấu hiệu tố giác hình sự về tội Chống người thi hành công vụ nên cơ quan điều tra đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho đơn vị bên quân đội để xử lý", cán bộ Công an quận Thanh Xuân nói.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, pháp luật quy định, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông, ở đây cụ thể là cán bộ CSGT.
Trường hợp, người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh của cán bộ CSGT thì sẽ bị xử lý hành chính.
Nếu có hành vi không chấp hành hoặc dùng vũ lực tấn công, đe dọa người thi hành công vụ thì được coi là "chống người thi hành công vụ", sẽ bị xử lý hình sự.
Trong vụ việc này, luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi "ghì cổ và tấn công cán bộ cảnh sát". Nếu thấy người đàn ông đã sử dụng vũ lực như (đánh, đấm, tát) người thi hành công vụ để cản trở, thì rõ ràng hành vi này có dấu hiệu tội phạm về tội "chống người thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức phạt có thể lên tới 3 năm tù giam.
Theo luật sư Cường, trong trường hợp người vi phạm là quân nhân thì thẩm quyền xử lý vi phạm thuộc về Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng. Quân nhân này có thể bị Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng tước danh hiệu, khởi tố điều tra, truy tố.
Trong quá trình xem xét giải quyết, nếu quân nhân đó là Đảng viên và có vi phạm quy định về điều lệ Đảng về đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật thì sẽ tiến hành kỷ luật Đảng theo Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017, với các thủ tục pháp lý có thể áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng.
"Còn đối với hành vi vi phạm về dừng đỗ xe, vi phạm về nồng độ cồn thì CSGT có thể xử lý theo quy định của Luật giao thông đường bộ và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP", luật sư Cường phân tích.
Trước đó, khoảng 15h30 chiều 21/3, tổ công tác Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội) nhận được tin báo từ người dân tại ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển hướng Ngã tư Sở có một người đàn ông điều khiển ô tô Camry BKS 30E-864.21 đỗ giữa ngã tư của đường một chiều. Người này có biểu hiện say xỉn, ngủ trong xe gây cản trở người tham giao thông trên tuyến đường này.
Tiếp nhận thông tin, tổ công tác Đội CSGT số 7 đã có mặt tại hiện trường, yêu cầu tài xế xe Camry di chuyển xe vào lề đường và xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Tuy nhiên, khi mở cửa ô tô bước xuống, tài xế xe Camry đã lao vào ghì cổ, xô xát với chiến sĩ CSGT, đồng thời tự xưng mình là quân nhân.
Đến khoảng 17h30 cùng ngày, lực lượng CSGT, Công an phường và kiểm soát quân sự có mặt yêu cầu lái xe này chấp hành kiểm tra nồng độ cồn nhưng tài xế này vẫn không hợp tác mà liên tục gọi điện thoại cho người "cứu viện", ông ta có những lời lẽ đe dọa lại lực lượng làm nhiệm vụ.
HP (Nguoiduatin.vn)