Sáng 18/2, vợ chồng anh N.T.M (trú tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La) đi từ Hà Nội lên Sơn La trên chuyến xe khách mang biển số 29B-312.33 của nhà xe Bảo Lâm. Khi xuống xe tại Mộc Châu, vợ chồng anh M để quên số tiền hơn 720 triệu đồng.
Về đến nhà, phát hiện số tiền lớn bị bỏ quên, vợ chồng anh M gọi điện cho nhà xe nhưng được trả lời là họ không thấy túi tiền để quên. Ngay lập tức, anh M đã trình báo vụ việc lên cơ quan Công an.
Quá trình kiểm tra, công an phát hiện số tiền này đang được cất giấu trên xe. Qua kiểm đếm, số tiền mà tài xế Hồng định ỉm đi để chiếm đoạt lên đến 722 triệu đồng.
Bước đầu, tài xế Nguyễn Đình Hồng (SN 1985, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) khai nhận, khi đến khách sạn Trường Giang (thị trấn Nông trường Mộc Châu) thì xe dừng nghỉ ăn cơm. Khi đóng cửa xe, Hồng phát hiện chỗ giường nằm tầng 1 phía sau ghế lái có một chiếc túi, mở ra xem thấy rất nhiều tiền nên tài xế này đã cất giấu. Hiện cơ quan Công an đang tạm giữ tài xế Hồng để xử lý theo quy định.
Theo luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội), về mặt nguyên tắc, khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi, người nhặt được phải có trách nhiệm trả lại cho chủ sở hữu hoặc phải giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu không biết ai là chủ sở hữu). Điều 230 (Bộ luật Dân sự 2015) quy định: "Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại".
Thông tin trên báo chí cho thấy, sau khi khách xuống xe, tài xế Hồng phát hiện số tài sản bị bỏ quên nhưng thay vì trả lại hoặc giao nộp cho cơ quan công an nơi gần nhất thì người này lại nảy sinh ý định chiếm đoạt. Do vậy, hành vi của tài xế này là vi phạm pháp luật. Với giá trị tài sản khoảng 722 triệu đồng, căn cứ quy định tại Điều 176 (Bộ luật Hình sự 2015), Hồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội chiếm giữ trái phép tài sản".
Điều luật này quy định: "1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; 2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm".
Như vậy, tội chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản do bị giao nhầm, do tìm được, bắt được sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó. Đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản, chủ thể của tội phạm cũng tương tự như đối với tội xâm phạm sở hữu khác. Tuy nhiên, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
"Bộ luật Hình sự quy định hành vi bắt được tài sản phải trả lại cho chủ sở hữu nếu cố tình không trả là hành vi phạm tội cũng là để giáo dục mọi người phát huy truyền thống đạo đức không tham lam nếu tài sản đó không do sức lao động của mình làm ra. Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội chiếm giữ trái phép tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn giữ bằng được tài sản do bị giao nhầm, tìm được hoặc bắt được. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm", luật sư Long phân tích.
Theo Bình Minh (Giadinh.net.vn)