Ông Trần Bắc, một tài xế Nam Ðịnh cho hay, khoảng 8h sáng cùng ngày, nhiều chủ phương tiện mang biển số Nam Ðịnh và Thái Bình đã cùng nhau tập trung tại trạm thu phí Mỹ Lộc giương băng rôn “không đi BOT không trả tiền”.
Các xe này đi vào làn thu phí và dừng lại khiếu nại với nhân viên thu phí. Ban đầu chỉ hơn chục chủ xe phản đối, nhưng sau đó số lượng xe dừng lại trạm tăng dần, kéo theo một số thời điểm đường qua trạm ùn tắc, khiến nhà đầu tư phải xả trạm.
Một số phương tiện qua trạm thấy ùn tắc đã phải quay đầu đi ngược chiều để tìm lối đi khác. Sau buổi sáng, buổi chiều các chủ xe tiếp tục dồn về trạm BOT Mỹ Lộc để phản đối.
Nhiều người dân địa phương hiếu kỳ cũng tập trung tới trạm thu phí theo dõi.
Một lãnh đạo Công an huyện Mỹ Lộc cho hay, ngay từ sáng sớm, khi tình hình giao thông qua trạm thu phí BOT Mỹ Lộc căng thẳng, lực lượng chức năng địa phương đã có mặt để ổn định tình hình.
Theo vị lãnh đạo này, lực lượng công an có mặt ở trạm chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, điều tiết giao thông chống ùn tắc, còn việc khiếu nại của lái xe thuộc trách nhiệm giải quyết của chủ đầu tư (Cty CP Tasco) và chính quyền.
Dù việc lái xe dừng lại trạm BOT Mỹ Lộc có thời điểm gây ùn ứ nhưng tình hình giao thông qua trạm không quá căng chẳng, việc phân làn được thực hiện để các xe khác có thể lưu thông.
Còn đại tá Ðặng Quang Tuyên, Trưởng Phòng Tham mưu (Công an tỉnh Nam Ðịnh) cho biết: Ban đầu, trong buổi sáng chỉ có khoảng 10 xe treo biển phản đối trạm thu phí BOT Mỹ Lộc tập trung tại trạm, sau đó số xe dừng lại có tăng lên.
Theo Ðại tá Tuyên, các chủ xe phản đối trạm thu phí chủ yếu ở các tỉnh khác ngoài Nam Ðịnh.
Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc bị một số lái xe phản đối sau những căng thẳng tại trạm BOT Tân Ðệ (Thái Bình, cũng do Tasco làm chủ đầu tư).
Trạm BOT Mỹ Lộc thu phí để thu hồi vốn cho dự án BOT đường nối Quốc lộ 21B (từ trạm thu phí) tới Quốc lộ 10 (TP Nam Ðịnh) dài 3,9km (4 làn BOT, 2 làn được làm từ ngân sách nhà nước); và đoạn nối Quốc lộ 21B với Quốc lộ 21A dài 550m.
Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)