Cho rằng lực lượng chức năng “thất hứa”, nhóm tài xế đã quay lại đem theo cơm hộp ngồi ăn trên vô lăng ngay giữa trạm BOT Biên Hoà để phản đối.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, nhóm tài xế này cũng đã dùng tiền lẻ mệnh giá thấp mua vé qua trạm nhằm phản đối chủ đầu tư BOT Biên Hoà và rồi sau đó đậu xe ngay trạm thu phí yêu cầu lãnh đạo trạm giải thích lý do đặt sai vị trí và thu phí quá cao.
|
Tài xế ăn cơm hộp trên vô lăng ngay trạm thu phí để phản đối chủ đầu tư BOT Biên Hoà. Ảnh: Văn Dũng |
Sự việc khiến giao thông trên quốc lộ 1, đoạn qua trạm thu phí hướng từ Bình Thuận về TP HCM bị tê liệt, lực lượng CSGT phải hướng dẫn các phương tiện lưu thông qua đường khác cách trạm BOT Biên Hoà 1km.
Đến trưa cùng ngày, sau nhiều lần thương thuyết, nhóm tài xế đã đồng ý cho phương tiện ra khỏi trạm khi lực lượng chức năng hứa sẽ tạm ngưng thu phí để chờ giải quyết.
Quốc lộ 1 bị "tê liệt" nhiều giờ theo cả hai hướng. Ảnh: Văn Dũng |
Trạm thu phí được “xả” sau khi nhóm tài xế điều khiển phương tiện rời đi. Tuy nhiên, khoảng 10p sau đó, nhân viên trạm BOT Biên Hoà tổ chức thu phí trở lại với mức độ cầm chừng và dò xét.
Biết được thông tin này, nhóm tài xế quyết định quay trở lại, đem theo cơm hộp ngồi ăn trên vô lăng và cho xe đậu ngay giữa trạm để phản đối. Lúc này, nhân viên trạm thu phí vội rời vị trí bán vé, bỏ lại trạm và đi vào trong văn phòng điều hành cách đó khoảng 100m.
“Lực lượng chức năng và lãnh đạo trạm BOT Biên Hoà đã hứa với chúng tôi là sẽ tạm ngưng thu phí để chờ giải quyết, tuy nhiên khi chúng tôi cho xe rời trạm chưa được bao lâu thì họ tổ chức thu lại. Trạm BOT Biên Hoà đang “lừa” chúng tôi”, một tài xế bức xúc nói.
Nhân viên trạm thu phí vội rời vị trí bán vé khi thấy nhóm tài xế quay lại. Ảnh: Văn Dũng |
Sự việc các tài xế dừng xe ngay trạm để phản đối và nhân viên rời vị trí thu phí khiến tình hình giao thông trên quốc lộ 1 lại tiếp tục bị “tê liệt” theo cả 2 hướng.
Lực lượng CSGT đã tiếp tục hướng dẫn các phương tiện lưu thông từ hướng TP HCM ra Bình Thuận quay đầu xe đi vào đường Cây Gáo – Trảng Bom để tránh khỏi tình trạng ùn tắc cục bộ tại khu vực trạm thu phí.
|
Lực lượng CSGT hướng dẫn các phương tiện quay đầu đi đường khác vì quốc lộ 1 bị "tê liệt". Ảnh: Văn Dũng |
Cũng liên quan đến trạm BOT Biên Hoà, ngày 5/10 Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị với Bộ GTVT về hướng miễn, giảm phí chung cho các trạm BOT sau khi có kết quả rà soát và làm việc với các nhà đầu tư, trong đó có trạm BOT Biên Hoà (đặt tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai).
Theo nguồn tin, hiện Tổng cục Đường bộ đã đàm phán xong với nhà đầu tư của trạm BOT Biên Hòa là Công ty Đồng Thuận và đi đến thống nhất về mức giảm và việc giảm giá vé kể từ ngày 1/11/2017. Mức giảm dự kiến khoảng 20% so với mức phí hiện hành.
Cũng theo nguồn tin, hiện nay UBND tỉnh Đồng Nai đang giao cho các địa phương như huyện, xã và các cơ quan có liên quan, tiến hành khảo sát về phương tiện của người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng của trạm BOT Biên Hòa.
|
Nhiều người dân địa phương tập trung về trạm thu phí để ủng hộ việc tài xế trả tiền lẻ nhằm phản đối chủ đầu tư. Ảnh: Văn Dũng |
Trao đổi với chúng tôi, các tài xế cho rằng họ không đồng ý với việc giảm giá vé mà yêu cầu phải di dời trạm BOT Biên Hoà về đặt ngay đầu đường tránh.
“Chúng tôi mong muốn trạm thu phí được di dời về đường tránh chứ không cần giảm giá vé. Vì nếu có giảm giá vé mà họ tăng thời gian thu lên thì cũng như không, với lại thu phí cho đường tránh TP Biên Hoà thì phải đặt tại đường tránh chứ sao lại đặt trên quốc lộ 1”, tài xế Lâm Quân Trường bày tỏ.
Đến 15h cùng ngày, tình hình giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Trảng Bom vẫn rơi vào tình trạng “tê liệt”, các phương tiện xếp hàng dài trước trạm thu phí BOT Biên Hoà theo cả hai hướng.
Trạm thu phí BOT tuyến tránh TP Biên Hòa được Công ty Đồng Thuận làm chủ đầu tư. Trạm đặt trên quốc lộ 1 (đoạn thuộc xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), điểm này cách đường tránh TP Biên Hòa 10 km và đi vào hoạt động từ năm 2014.
Nhiều tài xế cho rằng vị trí đặt trạm không phù hợp trong khi mức giá thu từ 35.000-180.000 đồng lượt xe là quá cao.
Theo Văn Dũng (Đời Sống & Pháp Lý)