Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng trước khi chặt hạ, di chuyển cây xanh Hà Nội phải khảo sát kỹ lưỡng, công khai xin ý kiến chuyên gia và người dân.
Để phục vụ việc mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, theo kế hoạch, sắp tới, Hà Nội sẽ di chuyển, chặt hạ hơn 1.300 cây xanh hai ven đường Phạm Văn Đồng.
Đơn vị thi công dư kiến di chuyển 158 cây, giữ lại để cắt tỉa 142 cây và chặt hạ tới hơn 1.000 cây. Nhiều người dân thủ đô tiếc nuối bởi trong số này có tới 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4 đến 1,2 m.
Phải xin ý kiến người dân
Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm (Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư Trưởng Hà Nội) cho biết việc thay thế cây xà cừ là một trong những chủ trương của Hà Nội.
Theo ông Nghiêm, việc phát triển cây xanh được Hà Nội nghiên cứu từ năm 1994. Gần đây nhất, quy hoạch cây xanh, mặt nước được thành phố đưa ra vào năm 2014 phân loại cây xanh trong công viên, cây xanh vỉa hè, cây xanh trong vườn ươm…
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm là chuyên gia được Sở Xây dựng xin ý kiến tham vấn về vấn đề chặt hạ, di chuyển trên địa bàn thành phố. Ảnh: Phan Anh. |
Quy hoạch năm 2014 khẳng định có 35 loại cây được khuyến nghị nên trồng ở Hà Nội và 13 loại cây trên vỉa hè cần phải thay thế. Riêng với xà cừ, đây là loại cây được khuyến nghị không nên trồng trên vỉa hè. Tuy nhiên, nó loại cây gắn liền với lịch sử nên không bắt buộc phải thay thế.
Theo ông Nghiêm, việc chặt hạ, di chuyển cây xanh đặc biệt là những cây xà cừ cổ thụ trên địa bàn Hà Nội phải được khảo sát, phân loại một cách kỹ lưỡng. Hà Nội không nên chặt hạ xà cừ bằng mọi giá vì cho đó là loại cây khuyến nghị không nên trồng trên vỉa hè.
Ông Nghiêm đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội nên tiến hành khảo sát sau đó xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn và cộng đồng người dân. "Tôi tự đặt câu hỏi, Hà Nội đã xin ý kiến người dân về vấn đề này chưa?", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội cho rằng việc khảo sát để chặt hạ, di chuyển cây xanh nên có hệ thống tiêu chí đánh giá rõ ràng. Thứ nhất là cây già cỗi, sâu mục. Thứ 2, cây có nguy cơ mất an toàn, đổ nghiêng, mất trọng tâm. Thứ 3, cây ảnh hưởng đến cảnh quan thành phố, diện mạo đô thị dáng không đẹp, cản trở giao thông. Đây là những cây phải thay thế.
Không được xem xét phiến diện, qua loa
Ông Nghiêm khẳng định để đưa đến quyết định chặt hạ, di chuyển cây xanh cần phải nhìn một cách tổng thể về hệ thống cây trên toàn thành phố, không thể xem xét một cách phiến diện, qua loa.
Hơn 1.300 cây xanh Hà Nội sắp bị chặt để phục vụ thi công mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Dù bị đưa vào loại cây khuyến nghị không nên trồng ở vỉa hè nhưng xà cừ gắn liền với sự phát triển của thủ đô, đặc biệt là thời người Pháp sang xây dựng, quy hoạch Hà Nội. Từ lâu, loại cây này là một yếu tố tạo nên cảnh quan đô thị. Và người dân đang đặt câu hỏi trong thời gian qua, tại sao Hà Nội lại chặt nhiều cây xà cừ cổ thụ đến vậy.
Theo ông Nghiêm, xà cừ có nhiều nhược điểm. Hiện ở Hà Nội có nhiều cây cao lớn ảnh hưởng đến an toàn của người dân sinh sống gần đó và người tham gia giao thông. Thời gian gần đây, nhiều cầu xà cừ bị đổ, đè lên người là ôtô. Mới đây, 2 cây xà cừ trường Chu Văn An bị đổ sau trận mưa dông khiến nhiều người lo lắng.
Đây là loại cây rễ chùm, nông, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí hệ thống hạ tầng ngầm phía dưới và ảnh hưởng đến vấn đề khai thác không gian sử dụng hè phố.
“Chúng ta phải thay thế cây xanh nhưng đó là với những cây hình dáng xấu làm mất mỹ quan, cây có nguy cơ gây mất an toàn cho người dân. Việc này phải được thực hiện công khai từ kế hoạch chặt hạ đến việc đấu giá gỗ. Nếu không sẽ tạo ra luồng dư luận không tốt”, ông Nghiêm khẳng định.
Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long dài 5,5 km. |
“Bất cứ thông tin gì về việc chặt hạ, di chuyển cây xanh phải công khai đến người dân. Bởi cây cổ thụ không chỉ là bóng mát mà còn là ký ức, lịch sử của Hà Nội” - tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm. |
Theo Văn Chương (Tri Thức Trực Tuyến)