Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, việc Bộ Chính trị thành lập 5 đoàn kiểm tra về việc quy hoạch, luân chuyển cán bộ được dư luận rất hoan nghênh. Bởi vì công tác cán bộ trong thời gian qua có nhiều vấn đề khiến dư luận nhân dân bức xúc.
Mới đây, Bộ Chính trị đã thành lập 5 đoàn kiểm tra đối với một số Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Ban Cán sự Đảng một số bộ, ngành. Nội dung kiểm tra là việc thực hiện Kết luận 24 của Bộ Chính trị (năm 2012) về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý gắn với quy chế bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử.
Đánh giá về việc này, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng: Bộ Chính trị thành lập 5 đoàn kiểm tra về việc quy hoạch, luân chuyển cán bộ được dư luận rất hoan nghênh. Bởi vì công tác cán bộ trong thời gian qua có nhiều vấn đề khiến dư luận nhân dân bức xúc như quy hoạch, bổ nhiệm không đúng người, luân chuyển không đúng đối tượng.
Nói đến công tác cán bộ thời gian qua, dư luận không khỏi bức xúc trước nhiều vụ việc sai phạm được báo chí nêu. Như trường hợp Trịnh Xuân Thanh có nhiều sai phạm khi còn công tác ở Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam, vẫn được quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương, rồi luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa thăng tiến thần tốc. Trường hợp bổ nhiệm kỳ lạ đối với ông Vũ Minh Hoàng làm Vụ phó tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Việc ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, gia đình của Bí thư và Phó Bí thư Huyện ủy cùng có anh em, con cháu nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền huyện.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra việc "cả nhà làm quan" tại 9 địa phương, kết quả cho thấy có 58 trường hợp có quan hệ họ hàng. Số có quan hệ ruột thịt là 18 (có chức vụ 15 người), số có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ 22 người). Qua kiểm tra, việc bổ nhiệm đang còn thiếu tiêu chuẩn, chứng chỉ, trình tự thủ tục…
"Xuất phát từ thực tiễn trong công tác cán bộ có nhiều vấn đề nảy sinh nên cần phải kiểm tra để có chấn chỉnh kịp thời. Nếu như công tác cán bộ hiện nay không được quan tâm thấu đáo thì nó sẽ tác động, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy Nhà nước và ảnh hưởng đến uy tín, sự lãnh đạo của Đảng" - đại biểu Vân nói.
Vẫn theo đại biểu Vân, việc Bộ Chính trị thành lập các đoàn kiểm tra về công tác cán bộ, một mặt thể hiện trách nhiệm của Đảng, thứ hai là thể hiện tầm quan trọng của hoạt động này.
"Qua hoạt động của các đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, sẽ làm cho cấp ủy chính quyền các cấp thấy được trách nhiệm của họ trong việc tổ chức, kiểm tra công tác cán bộ. Nếu như không kiểm tra sẽ không thấy được việc các cơ quan chức năng chấp hành các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong công tác cán bộ như thế nào, thực hiện nghiêm hay không" - đại biểu Vân nhấn mạnh.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho biết: Việc Bộ Chính trị thành lập các đoàn kiểm tra về công tác cán bộ là hoạt động tích cực. Bởi nếu như chỉ nghe báo cáo khó biết được thực tiễn, cần phải kiểm tra trực tiếp. "Đảng lãnh đạo toàn diện, Đảng chịu trách nhiệm trước những chủ trương lớn, thì phải kiểm tra, xem xét, đánh giá cụ thể chứ không chỉ nghe báo cáo" - TS Phúc nói.
Vẫn theo TS Phúc, việc Bộ Chính trị lập 5 đoàn kiểm tra về công tác cán bộ, có quy mô lớn hơn nhiều so với những cuộc kiểm tra của Đảng trước đây. "Qua đó cũng thể hiện quyết tâm và hành động cụ thể trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng" - TS Phúc nói.
Mới đây, các đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị về công tác cán bộ đã làm việc tại Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Xây dựng. |
Theo Lương Kết (Dân Việt)