Tai nạn 5 người tử vong ở Lạng Sơn: Dùng cành cây cảnh báo ô tô hỏng có an toàn?

02/11/2023 06:27:43

Trong vụ tai nạn liên hoàn ở Lạng Sơn, ô tô khách va chạm với xe đầu kéo đang bị hỏng giữa đường rồi va vào xe đi ngược chiều. Nhiều người băn khoăn, việc dùng cành cây đặt cách đuôi xe 16m để cảnh báo ô tô hỏng có an toàn?

Liên quan vụ tai nạn liên hoàn ở Lạng Sơn, cơ quan điều tra xác định, nơi xảy ra tai nạn là đường dốc, cua, trời tối nên tài xế Q.Đ.T. (57 tuổi, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) điều khiển xe khách BKS 14B-036.XX đã đâm vào ô tô đầu kéo biển số 98C-016.XX do anh N.V.T. (38 tuổi, trú tại Bắc Giang) điều khiển đang bị hỏng, dừng đỗ trên đường dành cho xe cơ giới.

Tại hiện trường, lực lượng công an xác định ô tô đầu kéo bị hỏng đã đặt vật cảnh báo là cành cây, cách đuôi xe 16m. 

Tai nạn 5 người tử vong ở Lạng Sơn: Dùng cành cây cảnh báo ô tô hỏng có an toàn?
Ô tô khách bị biến dạng sau tai nạn liên hoàn với 2 ô tô đầu kéo (Ảnh: H.M)

Nhiều tài xế bày tỏ băn khoăn, nếu xe bị hỏng giữa đường trong đêm tối, cần thực hiện các bước cảnh báo như thế nào để đảm bảo an toàn cho bản thân và những phương tiện khác?

Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, nếu xe đang đi trên đường mà bất ngờ gặp sự cố, tài xế cần bật đèn khẩn cấp. Sau đó, tài xế ra khỏi xe để tìm vị trí đặt biển báo hoặc thiết bị cảnh báo, vật cảnh báo.

Lưu ý, thiết bị cảnh báo cần phải có đèn hoặc phản quang hay các vật cảnh báo có sẵn như lốp xe hỏng, cành cây, bình nước... cần phải đủ to để người điều khiển phương tiện nhận biết được.

"Khoảng cách đặt vật cảnh báo an toàn là khoảng 50m ở phía trước và phía sau ô tô gặp sự cố để các tài xế khác kịp thời xử lý, tránh va chạm. Điều này rất quan trọng khi xe chạy trên đường cao tốc, vào ban đêm, đường khuất", đại diện Cục CSGT cho biết.

Tai nạn 5 người tử vong ở Lạng Sơn: Dùng cành cây cảnh báo ô tô hỏng có an toàn? - 1
Xe hỏng giữa đường cần gọi cứu hộ để nhanh chóng được trợ giúp

Đại diện Cục CSGT cho biết thêm, trong trường hợp chỉ có một mình, tài xế nên ra tín hiệu để các xe khác dừng lại trợ giúp việc cảnh báo để đảm bảo an toàn. Hoặc có phụ lái xe thì đứng vào nơi an toàn để ra tín hiệu thông báo cho các xe khác biết.

Sau khi đã thực hiện các biện pháp cảnh báo an toàn, tài xế gọi điện thoại vào số đường dây nóng của đơn vị vận hành đường cao tốc hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ cẩu, kéo phương tiện vào nơi an toàn.

"Tuyệt đối không cố tự sửa chữa ô tô bị hỏng giữa đường bằng mọi cách, nếu thời gian để xe sự cố trên lòng đường càng lâu thì rủi ro càng lớn. Đặc biệt là trong các trường hợp đêm tối, tầm nhìn giảm", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh. 

Theo Đình Hiếu (VietNamNet)