Đến 18h ngày 20/3, nhà chức trách Đồng Nai vẫn chưa xác định có người tử vong trong vụ sập cầu Ghềnh ở Biên Hòa. Tài công của sà lan gây ra vụ việc đã bỏ trốn.
|
Sà lan đang trôi về phía hạ lưu, có nguy cơ va chạm với cầu đường bộ Bửu Hoà. Ảnh: Ngọc An |
Đại tá Nguyễn Văn Thọ - Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết công an tỉnh đang hoàn tất thủ tục để khởi tố vụ án sà lan đâm sập cầu Ghềnh.
"Hành vi đã rõ ràng nên công an sẽ khới tố để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang VKSND Đồng Nai để hoàn tất quyết định khởi tố. Hiện tại, ưu tiên hàng đầu vẫn là cứu hộ và khắc phục sự cố", đại tá Thọ nói.
18h20, 3 tàu kéo đã đưa sà lan trôi dạt vào neo đậu tại bờ sông xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa), cách cầu Ghềnh 50 m. Nhà chức trách cũng tổ chức lực lượng chốt chặn tại các ngã đường đổ về cầu Ghềnh để đảm bảo an toàn.
Ca nô của lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy và lực lượng cứu hộ Công an Đồng Nai, Công an TP HCM đang tổ chức tuần tra, lập chốt chặn các phương tiện giao thông đường thủy đi vào hiện trường. Lực lượng chức năng dừng công tác tìm kiếm, cứu hộ, trục vớt sẽ tạm ngưng vì trời đã tối.
Ông Phạm Tấn Linh, Phó trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết có 200 cán bộ, chiến sĩ công an, dân phòng... bảo vệ hiện trường.
|
Sà lan đang trôi về phía hạ lưu, có nguy cơ va chạm với cầu đường bộ Bửu Hoà. Ảnh: Ngọc An
|
17h30, do tác động của thủy triều, chiếc sà lan trôi tự do về phía hạ nguồn. Để ngăn phương tiện này va đập vào chân cầu đường bộ Bửu Hòa, nhà chức trách phải huy động đầu kéo để đưa sà lan trở về vị trí nhưng bất thành. Hiện tại, phần trôi trên sông đang tạm cố định phía hạ nguồn, cách vị trí cầu sập khoảng 100 m.
|
Nhịp giữa cầu Ghềnh đã rớt xuống sông sau tai nạn - Ảnh: Sơn Định |
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, nhịp cầu giữa đã rơi xuống sông. Rất nhiều người đã rớt xuống sông, sà lan đang lật ngửa.
16h30, Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức cuộc họp báo, công bố thông tin vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh tại TP Biên Hòa. Theo nhà chức trách, đã xác định được danh tính tài công của sà lan SG 3745 là Nguyễn Văn Thưởng.
Theo đó chủ phương tiện được xác định là bà Nguyễn Thu Hồng, quê Tiền Giang, hiện ngụ chung cư 43 Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP HCM. Sà lan này chuyên chở hàng khô, tại thời điểm xảy ra tai nạn gãy cầu Ghềnh, cơ quan chức năng ghi nhận sà lan chở cát, sỏi khô.
Sà lan dài 42,83 m, rộng 12,23 m. Phương tiện này được cho là kiểm tra kỹ thuật lần gần nhất là vào 13/10/2015. Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, trên sà lan tại thời điểm đâm va làm gãy cầu Ghềnh có khoảng 3 - 4 người.
16h, đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết đã điều động đội lặn chuyên nghiệp với các trang thiết bị hiện đại, ca nô đến hiện trường hỗ trợ công tác cứu nạn. Theo đại tá Bửu, nếu công tác cứu nạn gặp khó khăn thì lực lượng của TP HCM tiếp tục được tăng cường.
15h40, Tổ công tác thuộc Bộ Công an đến thị sát hiện trường và trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục sự cố. Lực lượng người nhái được điều động đến hiện trường, lặn vào sà lan lật úp để tìm kiếm nạn nhân.
15h, Cảnh sát PCCC Đồng Nai đã lập tiểu ban cứu hộ vì không loại trừ khả năng có người mắc kẹt trong sà lan bị lật úp. "Tài công đã bỏ trốn nên chúng tôi không biết trên sà lan có bao nhiêu người, có nạn nhân mắc kẹt bên trong hay không. Do đó công tác cứu hộ tiếp tục thực hiện, đội thợ lặn sẽ đến hiện trường", đại diện Cảnh sát PCCC Đồng Nai thông tin.
Hiện lực lượng cứu hộ đã trục vớt được 3 xe máy dưới sông lên bờ, trong đó có chiếc Honda cup 50, Wave và xe tay ga Vision.
14h50, công an đang lấy lời khai của 3 nạn nhân bị rớt xuống sông để củng cố hồ sơ vụ việc.
Nhìn ra dòng sông có chiếc sà lan lật úp, ông Phạm Minh Long (khu phố 3, phường Tam Hiệp, TP Biên Hoà) cho biết lúc hơn 10h em của ông chở đồ đi qua TP Biên Hoà. Lúc sau người này hốt hoảng kêu cầu sập. "Tôi vội chạy qua đây xem tình hình thế nào. Cũng may đứa em không sao", ông nói.
Theo ông Long, cầu Ghềnh thọ hơn 100 năm tuổi, được xây từ thời Pháp. "Người dân từ bên này sông về TP Biên Hoà vẫn đi qua cầu. Nó là một di tích gắn liền với lịch sử Đồng Nai. Hi vọng sau sự cố này cầu được sửa lại để giữ lại hình ảnh vốn có", ông Long nói.
|
Lực lượng chức năng triển khai công tác cứu hộ. Ảnh do bạn đọc Lê Đức Nhân cung cấp. |
14h, theo thông tin từ hiện trường, chiếc sà lan gây tai nạn lật úp dưới sông. Do nước đang lớn nên nhà chức trách chưa xác định được có người mắc kẹt bên trong hay không.
Lực lượng công an đã điều 5 ca nô và nhiều chiến sĩ đến hiện trường cứu hộ. Nhà chức trách chưa thông tin về người thương vong trong vụ việc.
Sự cố khiến khu dân cư gần 2 đầu cầu bị mất điện, các cơ quan chức năng đang khắc phục điện nước cho người dân.
Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai cho biết, cho tới thời điểm này, chưa có trường hợp nào nhập viện, cấp cứu từ vụ sập cầu.
13h30, theo Tuổi trẻ, thông tin từ Bộ GTVT cho biết Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Vụ trưởng vụ An toàn giao thông của Bộ GTVT sẽ đi máy bay vào chỉ đạo tại hiện trường sập cầu Ghềnh chiều nay.
Theo ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, đã liên hệ với Bộ GTVT bàn phương án xây dựng cầu tạm bắc qua sông, thay thế cầu Ghềnh.
12h50, Ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc công ty vận tải đường sắt Chi nhánh Sài Gòn, cho biết toàn bộ các chuyến tàu xuất phát từ Ga Sài Gòn từ trưa nay đều bị hoãn. Các chuyến tàu từ Hà Nội vào sẽ dừng ở ga Biên Hoà và toàn bộ hành khách sẽ được vận chuyển bằng ôtô về TP HCM.
Những hành khách đi các chuyến tàu xuất phát từ Ga Sài Gòn từ trưa nay cũng được vận chuyển bằng ôtô về ga Biên Hoà để tiếp tục hành trình. Cũng theo ông Văn, ngành đường sắt đang cố gắng khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh.
|
Nơi xảy ra vụ việc. |
12h40, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác xử lý sự cố. Nhà chức trách tổ chức phong tỏa các tuyến đường để hạn chế phương tiện lưu thông về hướng cầu sập.
Hiện tại, Công an xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đưa 3 người là nạn nhân trong vụ sập cầu về trụ sở làm việc. Những người này được cho là rơi xuống sông khi chiếc sà lan tông vào cây cầu.
12g30: lực lượng cứu hộ đã điều động 4 ca nô đến hiện trường, khoanh vùng và tìm kiếm những người nghi còn đang mất tích khi bị rớt khỏi cầu.
Cho tới thời điểm này, các nhân chứng cho biết có 3 người rớt xuống sông nhưng thoát nạn. Trong số này, có 2 người sau bị rớt xuống, do biết bơi nên không bị chìm và được ghe đánh cá vớt. Còn một phụ nữ rơi ở chỗ cạn nên bò lên được.
11g58: tại khu vực cầu bị gãy, phần cầu thuộc phường Quyết Thắng, một thanh sắt dài 8m cắm xuống sông, trên phần cầu còn lại vẫn còn "lủng lẳng" vài chiếc xe máy của các nạn nhân.
Ở phần cầu thuộc phường Bửu Hòa, nhiều thanh tà ray dài 15m đã cắm xuống sông.
Công an hiện đang phong tỏa ở hai đầu cầu.
|
Ảnh: Bạn đọc Khang Nguyen |
|
Ảnh: Bạn đọc Le Duy Trung |
|
Ảnh: Bạn đọc Le Duy Trung |
|
Ảnh: Bạn đọc Le Duy Trung |
Cầu Ghềnh dài 223 m thuộc TP Biên Hòa - là 2 cây cầu bắc qua sông Đồng Nai dẫn vào Cù lao Phố, do Pháp xây dựng vào năm 1902, dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô.
Có tài liệu nói rằng cầu được xây dựng vào năm 1909, và được thiết kế bởi kiến trúc sư Gustave Eiffel (1832 - 1923, người thiết kế tháp Eiffel), cùng với 2 công trình kiến trúc khác ở Việt Nam là cầu Long Biên (Hà Nội) và cầu Tràng Tiền (Huế). Trước đó, đầu tháng 3, một tàu thuỷ 3.000 tấn chạy trên sông Kinh Môn ở Hải Dương cũng đâm vào cầu An Thái làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu khiến cầu có nguy cơ đổ sập. |
Theo Ngọc An (Zing.vn)