Thời gian gần đây, thông tin cảnh báo việc trẻ em dùng đồ chơi không rõ nguồn gốc,đồ chơi có tính chất bạo lực, nguy hiểm đến sức khỏe gia tăng đáng kể. Tuy vậy, tại Hà Nội, người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng mua chúng ở bất cứ đâu, từ các phố như Hàng Mã, Lương Văn Can...
Trong vai người mua hàng, nhóm PV Báo Lao Động khá mất công để hỏi mua được một khẩu súng bắn đạn nhựa với giá 150.000 đồng. Mặc dù số lượng rất nhiều nhưng để tránh các cơ quan chức năng, các cửa hàng trên tuyến phố này đều giấu nhẹm đi, chỉ khi nào gặp khách "tha thiết" muốn mua mới đem ra vài khẩu tượng trưng.
Các món đồ chơi khác bớt nguy hiểm hơn như súng bắn nước, đao kiếm bằng nhựa, mặt nạ quỷ, cung tên nhựa... vẫn được bày bán công khai trên các sạp hàng.
Đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng đồ chơi, ngày 18.1.2000, Bộ Thương mại đã có Thông tư số 88/2000/QĐ-BTM về những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân phẩm, sức khoẻ hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị cấm. Trong đó, đồ chơi có hình dạng giống như súng (súng nén bằng hơi hoặc bằng lò xo, súng bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác, súng bắn nước...) là các mặt hàng bị cấm.
Theo khảo sát của nhóm PV, giá của những món đồ chơi này dao động từ 30.000 đồng - 500.000 đồng, tùy vào mẫu mã, kích thước và quan trọng hơn là "chức năng". Súng bắn càng "đau" có giá càng đắt, bà Phượng, chủ một cửa hàng bán đồ chơi tại phố Hàng Mã, cho hay.
Theo TS. Trần Thu Hương (giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn): "Dưới góc độ tâm lý, tất cả mọi hành vi ở trẻ em là kết quả của tập nhiễm, bị ảnh hưởng bởi người khác, bắt chước... Nếu cho trẻ chơi những đồ chơi mang tính bạo lực sẽ khiến trẻ dễ dàng hình thành xu hướng hành động một cách "hung tính".
TS. Hương cho biết thêm: "Cha mẹ nên lựa chọn cho trẻ những đồ vật giúp trẻ phát triển tư duy, khả năng ngôn ngữ, trí tưởng tượng... Cha mẹ không nên chiều trẻ, thoả mãn mong muốn của trẻ. Đặc biệt đối với trẻ trai, những trò chơi ảnh hưởng đến bạo lực, trò chơi thể hiện sức mạnh, quyền uy của nam giới... làm giảm yếu tố cần thiết trên. Ngoài chú trọng việc lựa chọn đồ chơi, cha mẹ nên quan tâm đến cách thức tổ chức trò chơi cho trẻ".
Hơn ai hết, các bậc phụ huynh nên định hướng cho trẻ hiểu biết về sự nguy hại từ đồ chơi bạo lực, đồ chơi không rõ nguồn gốc để tránh tình trạng "đồ chơi giả, tai nạn thật".
Theo Khánh Hạ- Hà Phương (Lao Động)