Tiếp nhận 1.000 liều vắc-xin Sputnik V do Nga tặng
Ngày 16/3, tin từ Bộ Y tế cho biết, Liên bang Nga gửi tặng Việt Nam 1.000 liều vắc-xin Sputnik V đầu tiên. Số vắc-xin ngừa COVID-19 này đã được nhập kho bảo quản lạnh của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư.
Lô vắc-xin Sputnik V là quà tặng của Liên bang Nga được ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, mang tới Việt Nam sáng 16/3, trong chuyến công tác hai ngày tại Hà Nội. Ông Đặng Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế -Bộ Y tế, nói: “Thời gian tới, việc điều phối lô vắc-xin này sẽ do Chính phủ quyết định, có thể điều tiết về Bộ Y tế hoặc các đơn vị khác. Đây là những liều vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga có mặt tại Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, năm nay, Việt Nam đã chắc chắn có 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ chương trình cung ứng vắc-xin toàn cầu COVAX, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các hãng dược Pfizer (trụ sở tại Mỹ), Moderna (Mỹ), Sputnik V (Nga)… để có thêm vắc-xin. Ngày 25/2, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đề xuất Bộ Y tế phê duyệt thêm hai vắc-xin phòng COVID-19 là vắc xin của công ty Moderna và vắc-xin Sputnik V của Công ty Generium (Nga) để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Sputnik V là vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Từ 11/8/2020, Bộ Y tế Nga đã cho triển khai tiêm quy mô toàn quốc Sputnik V khi vắc-xin này chưa được thực hiện xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Tuy nhiên, đến nay, Sputnik V được hơn 50 quốc gia phê chuẩn sử dụng. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet, Sputnik V hiệu quả lên tới 91,6%, riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98% tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại SARS CoV-2.
Sức khỏe 6 tình nguyện viên sau tiêm Covivac ổn định
Một ngày sau khi vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 2 của Việt Nam, Covivac, được tiêm thử nghiệm, đại diện Trung tâm Dược lý lâm sàng (Đại học Y Hà Nội) cho biết, sức khỏe của 6 tình nguyện viên ổn định và trở về nơi cư trú. Đáng chú ý, không ai có phản ứng đặc biệt sau tiêm thử nghiệm Covivac. Một số rất ít trường hợp có phản ứng nhẹ trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng sau tiêm như đau đầu.
Nhóm nghiên cứu cho hay, sau khi trở về nhà, các tình nguyện viên sẽ tự theo dõi sức khỏe và ghi chép vào sổ theo dõi sức khỏe đến ngày 22/3 (ngày thứ 8 sau tiêm) quay lại để khám, thu nhập thông tin về an toàn và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm. Với 114 người còn lại của giai đoạn 1, dự kiến tuần sau, nhóm 15 người đầu tiên sẽ tiêm mũi 1.
Vì sao vắc-xin gây phản ứng mạnh?
TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư), cho biết, ngày đầu tiên ngay sau khi triển khai tiêm vắc-xin AstraZeneca, một số người đã thông báo tình trạng đau tại chỗ tiêm, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, thậm chí buồn ngủ. Dấu hiệu này kéo đến ngày hôm sau ở khoảng một nửa số trường hợp với hiện tượng đau đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi. Đây là các triệu chứng thường gặp sau chủng ngừa của phần lớn các vắc-xin, đặc biệt là sau khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
“Khác với những kiến thức thông thường về vắc-xin hiện nay, đây là loại vắc-xin dùng công nghệ mới nhất “vắc-xin véc-tơ”. Nguyên lý của loại vắc-xin này là sử dụng một loại virus gây cảm lạnh (Adenovirus) ở tinh tinh làm vật trung gian mang vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đến các tế bào của người. Sau khi tiêm, virus Adeno sẽ tìm đến các tế bào đích và truyền vật liệu di truyền đó vào trong, tế bào có đoạn gene này sẽ tích cực sản xuất một loại protein gai của virus SARS-CoV-2 và từ đó cơ thể sẽ điều động các tế bào miễn dịch tới tiêu diệt, nhận diện và sinh ra kháng thể.
Với công nghệ mới này, đáp ứng miễn dịch sẽ rất mạnh và khả năng tạo kháng thể tốt nhưng đi kèm với nó là phản ứng sau tiêm sẽ mạnh hơn. Trên 50% số người tiêm than phiền về đau tại chỗ tiêm, gần 50% các trường hợp ghi nhận sốt, cảm giác ớn lạnh, đau cơ, đau đầu. Các triệu chứng ít gặp hơn như chóng mặt, buồn nôn cũng là các dấu hiệu bình thường sau tiêm chủng. Một số triệu chứng ít gặp khác cần lưu ý như tiêu chảy, đau bụng gặp ở khoảng 10% và thường đến muộn ở ngày thứ 2 sau tiêm”, bác sĩ Thái phân tích.
Bộ Y tế cho hay, TS Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới, đã giải thích rõ hơn về các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vắc-xin COVID-19. Theo bà Swaminathan, sốt nhẹ, đau mỏi toàn thân, đau đầu hoặc cảm thấy không khỏe là những phản ứng thông thường. Đây là dấu hiệu hệ thống miễn dịch của cơ thể đang phản ứng với các kháng nguyên được đưa vào cơ thể và hệ thống miễn dịch đang chuẩn bị để chiến đấu.
“Những người có cơ địa dị ứng hoặc bệnh lý có sẵn cần phải tiêm tại bệnh viện với sự theo dõi y tế nghiêm ngặt. Sau tiêm nếu có những phản ứng bất lợi trong cơ thể cần báo cho đơn vị tiêm chủng. Vắc-xin không tuyệt đối an toàn cho tất cả mọi người nhưng sẽ bảo vệ người được tiêm và cả cộng đồng trước đại dịch”. TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư)
Tối 16/3, Bộ Y tế cho biết, có thêm 1 ca mắc COVID-19 (BN2560) tại Hải Dương. Bệnh nhân 30 tuổi, ở phường Bến Tắm, TP Chí Linh, là F1 của BN2263 và đã được cách ly trước đó. Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong ngày có 43 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, Việt Nam đã điều trị khỏi 2.158 ca.
Theo Hà Minh (Tiền Phong)