Theo ông Mai Văn Trinh, cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng liên quan điểm thi bất thường ở Hà Giang. Vụ việc đang được làm rõ.
Ông Trinh cũng cho biết qua đấu tranh ban đầu đã xác định được đối tượng gây ra sự việc. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ, khi có kết quả sẽ xử theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ, khi có kết quả sẽ xử theo quy định của pháp luật.
Trước thông tin trên, dư luận đặt câu hỏi người có hành vi sửa điểm, can thiệp vào điểm thi THPT quốc gia sẽ bị xử lý như thế nào?
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong bài viết đăng trên Zing.vn, luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty luật Bảo An - cho rằng nếu có người sửa điểm, làm lại hay làm thêm vào bài thi để có điểm cao thì hoàn toàn đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhằm làm rõ ai phạm tội, phạm tội gì, mức độ đến đâu.
Hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, thấp nhất 12 tháng, tùy theo tính chất, mức độ phạm tội.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra, cơ quan chức năng có thể trưng cầu khoa học giám định hình sự; có thể tiến hành ngẫu nhiên một số hội đồng thi để phát hiện bất thường hoặc cũng có thể lấy các trường hợp học sinh có kết quả học tập của ba năm cấp 3 ở mức trung bình nhưng có điểm tốt nghiệp cao bất thường.
Hạ lương, cách chức
Quy chế thi THPT quốc gia 2018 nêu rõ việc xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi.
Người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật.
Cảnh cáo đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi: Để cho thí sinh quay cóp; mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi đã được quy định; chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót; ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình THPT; Truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Tuỳ theo mức độ, người vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau: Ra đề thi sai; trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác; gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh.
Đặc biệt, buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau: Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.
Quy chế cũng nêu rất rõ người tham gia tổ chức thi và những người có liên quan việc tổ chức thi không phải công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi). Tùy theo mức độ, người vi phạm sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật về lao động; bị đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học (nếu là học sinh, sinh viên, học viên) khi có một trong các hành vi sai phạm quy định.
Các hình thức xử lý vi phạm quy định trên do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định theo quy trình quy định. Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm.
Quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm
Theo quy định, quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm sẽ được thực hiện theo 4 pha sau:
Pha 1. Quét ảnh: Dùng máy quét ảnh (Scanner) tốc độ cao quét các bài thi theo từng lô đưa vào các thư Mục chứa ảnh.
Pha 2:Đọc ảnh (còn gọi là xử lý ảnh hay nhận dạng ảnh).
Xử lý ảnh để đọc các thông tin từ ảnh như số báo danh, mã đề và các phương án trả lời. Sau đó, xuất báo cáo Bộ GDĐT về trạng thái ban đầu của bài làm của thí sinh, chưa sửa lỗi (Đĩa CD1).
Chú ý: Sau khi xuất đĩa CD1, nội dung đã xuất này sẽ được giữ nguyên, kể cả trong trường hợp quét thêm dữ liệu thí sinh chưa quét, dữ liệu này vẫn không thay đổi. Dữ liệu quét mới sẽ được thể hiện ở đĩa CD2.
Pha 3: Sửa lỗi của thí sinh: Thực tế thống kê, có Khoảng 1% thí sinh mắc lỗi như:
Không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được. Trường hợp xấu nhất là một thí sinh có dự thi tô nhầm thành SBD của thí sinh vắng thi.
Không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào.
-Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.
Có những lỗi do quét bài như để gấp Phiếu TLTN, sai mặt Phiếu, làm Phiếu bị biến dạng.
Những lỗi này (nếu có) sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dù rằng có những lỗi do chính thí sinh gây ra. Phần mềm phải phát hiện tất cả các lỗi, cán bộ chấm thi phải sửa hết các lỗi để có thể chấm bài thi tự động. Kết quả sửa phải được lưu lại, cùng với biên bản sửa lỗi để báo cáo Bộ GDĐT.Pha 4. Chấm bài thi: Sau khi thực hiện xong ba pha trên, Hội đồng thi mới được sử dụng đáp án do Bộ GD&ĐT cung cấp để chấm điểm. Kết quả chấm và phân tích được xuất ra
Đĩa CD2 để báo cáo Bộ GDĐT. Nếu chưa thực hiện pha thứ 3, khi phát hiện còn lỗi chưa sửa thì Phần mềm sẽ chặn, không cho phép thực hiện pha thứ 4 này.
Theo Quyên Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)