10 mẫu thép Trung Quốc trên 5 chiếc tàu 67 (đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương) vừa được cơ quan chức năng lấy để kiểm định chất lượng...
Tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã kéo 5 tàu cá của các ngư dân: Mai Văn Chương, Trần Minh Vương (huyện Phù Cát), Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Mạnh và Võ Tuân (huyện Phù Mỹ) lên đà, chờ sửa chữa.
Theo ngư dân Mai Văn Chương- Chủ tàu BĐ 99179 TS, ông đã thống nhất với công ty TNHH Đại Nguyên Dương về việc phần vỏ tàu là thép Trung Quốc không đạt cấp thép A (theo QCVN 21:2010/BGTVT) sẽ được tháo bỏ để thay thế, còn phần vỏ đạt cấp thép A sẽ được giữ nguyên.
Các tàu được đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương được đưa lên đà. Ảnh: D.T |
"Tôi đã đồng ý ký vào văn bản nhưng rất sợ khi ra khơi tàu lại hỏng vì theo biên bản xác nhận khối lượng thực hiện là thép Hàn Quốc chứ không phải Trung Quốc. Nhưng nếu ngư dân yêu cầu tháo hết thép Trung Quốc thay mới thì phải nằm bờ nữa, nợ nần tôi sợ hãi quá rồi”- ngư dân Chương chia sẻ.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý- Chủ tàu BĐ 99004 TS cho hay: “Hiện tại, tàu đã được kéo lên đà để khắc phục sự cố. Ngành chức năng tiến hành lấy mẫu thép tại vị trí boong và đáy tàu để đi kiểm tra chất lượng. Thế nhưng, lúc này ngư dân chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả”.
Ông Lý yêu cầu: “Phần thép Trung Quốc không đủ cấp thép A nhất định phải tháo ra, giữ lại thép đủ cấp A… nhưng yêu cầu công ty trả tiền chênh lệch cho ngư dân trả nợ cho ngân hàng. Bên cạnh đó, hầm đá hỏng, bóng điện thiếu so với hợp đồng… công ty phải làm đúng hợp đồng, kinh phí thiết kế lại mành chụp do công ty chịu trách nhiệm”.
Lấy mẫu thép Trung Quốc đi thẩm định
Theo Sở NNPTNT Bình Định, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã thuê Công ty giám định Vinacontrol phối hợp với cơ quan đăng kiểm tàu cá của Bộ NN&PTNT, Tổ giám sát kỹ thuật của tỉnh, chủ tàu và địa phương lấy 10 mẫu thép phần mạn và đáy tàu của 5 tàu cá đưa đi kiểm định chất lượng.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý đang ngóng chờ tàu 67 được sửa chữa để vươn khơi. Ảnh: D.T |
Chiều nay (4.8), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết: “Lúc trước, mỗi tàu chúng tôi chỉ lấy 1 mẫu thép để kiểm tra. Thế nhưng, để có đánh giá cho khách quan chúng tôi tiếp tục lấy 2 mẫu thép tại mạn và đáy của mỗi tàu để kiểm tra có đúng chất lượng cấp thép A không?. Nếu không đúng sẽ bị loại bỏ, thay thế thép đúng chất lượng. Hiện tại, vẫn chưa có kết quả”.
Theo ông Hổ, về số tiền chênh lệch chất lượng thép thì doanh nghiệp bắt buộc phải hoàn trả lại cho ngư dân. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được chuyển về ngân hàng để giảm bớt số nợ vay vốn của ngư dân.
“Sau khi có kết quả kiểm tra chất lượng thép thì mới có cơ sở tính toán số tiền chênh lệch và doanh nghiệp mới đủ điều kiện để tiến hành sửa chữa”- ông Hổ khẳng định.
Theo kết quả thẩm định mà Sở NNPTNT Bình Định công bố, căn cứ theo hồ sơ, tài liệu (bản photocoppy) do các ngân hàng thương mại mà ngư dân đã ký kết hợp đồng vay vốn đóng tàu cung cấp, 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc nhưng theo biên bản xác nhận khối lượng thực hiện giữa Công ty với 5 chủ tàu là thép Hàn Quốc. Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có 3/5 tàu có mẫu không đạt thép thường cấp A. |
Theo Dũ Tuấn (Dân Việt)