Sự thật về tôm cá Hồ Tây được nuôi từ 4 nghĩa địa cổ

23/10/2015 15:03:15

Tôm cá dưới Hồ Tây được nuôi bằng 4 nghĩa trang dưới lòng hồ vì thế nó sinh ra những 'quái ngư', những con cá, con cua ma hình thù không bình thường khiến người Hà Nội tận mắt thấy đều sợ thót tim.

Tôm cá dưới Hồ Tây được nuôi bằng 4 nghĩa trang dưới lòng hồ vì thế nó sinh ra những 'quái ngư', những con cá, con cua ma hình thù không bình thường khiến người Hà Nội tận mắt thấy đều sợ thót tim.

Mộ cổ - hiện thân của cha ông thuở trước

Bất cứ ai khi ngang qua hay ở lại với Hà Nội ngàn năm văn hiến chắc hẳn cũng đã đôi lần dạo bước quanh Hồ Tây lộng gió. Thảng đâu đó là bóng dáng của những đôi sâm cầm tìm nhau trong buổi bình minh hay bóng chiều tà. Và tin rằng, nếu đã đến Hồ Tây, ai cũng có chút thắc mắc về những ngôi mộ hiếm hoi nhô lên giữa Hồ Tây mênh mông sóng nước, ngay trước làng Võng Thị bây giờ. Đó là những gì còn sót lại của hàng ngàn ngôi mộ cổ dưới đáy Hồ Tây.

Nhiều người sẽ ngạc nhiên lắm về những ngôi mộ dưới đáy hồ. Nhưng đó không phải là cổ tích hay huyền thoại, đó là hiện thân cha ông ta từ thời Hồ Tây còn hoang sơ với cây cối um tùm tỏa bóng.
 

Hồ Tây ẩn chứa trong nó rất nhiều bí ẩn cuốn hút. Nguồn ảnh từ Internet

Để hiểu rõ hơn về hàng ngàn ngôi mộ này, cần phải nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Hồ Tây. Theo sử sách ghi chép lại thì Hồ Tây chính là một đoạn của sông Hồng từ quá trình dài ngưng đọng sau khi đổi dòng chảy. Bởi thế, Hồ Tây trở thành hồ nước tự nhiên lớn nhất nội thành Hà Nội.

Trước khi hình thành hồ nước lớn mênh mông, Hồ Tây vẫn là vùng đất đai trù phú với cây cối um tùm. Nhiều làng mạc cổ, những cánh đồng rộng lớn và vườn tược bám quanh mép hồ. Qua thời gian, những nghĩa địa đã bị sóng đánh tan dưới đáy hồ. Đến nay, chỉ hiếm hoi còn vài ngôi mộ cổ nhô lên giữa mênh mang sóng nước.

Thi thoảng, vào những ngày lễ tết hoặc dịp đặc biệt, lại có những người ra Hồ Tây cúng vái vong linh. Có người đi cả thuyền ra thắp hương và sì sụp vái lạy trước mộ nổi. Những câu chuyện liêu trai cũng vì thế mà được thêu dệt.

4 nghĩa trang, hàng ngàn mộ cổ đi đâu?

Có một người hiểu Hồ Tây đến tận đáy, ông có thể nhận biết được những gì ở phía dưới độ sâu vài mét mà mình vừa lái thuyền qua. Đó chính là Kỹ sư Nguyễn Viết Bân, nguyên là Giám đốc Trung tâm cá giống Nhật Tân. Ông Bân giờ đã về "ở ẩn" giữ cho mình những câu chuyện Hồ Tây huyền bí. Ông cắt hết số điện thoại, phải năn nỉ, đi lại nhiều lần ông mới kể cho PV báo Người Đưa Tin về những câu chuyện mang màu sắc liêu trai với điều kiện không đưa hình ông lên báo. Tôi đã tôn trọng ý nguyện của ông, dù tiếc bức ảnh chụp ông thanh thản ngồi ru cháu khá ấn tượng.

Suốt gần một đời lặn ngụp ở Hồ Tây, ông tự tin có thể nằm lòng từng mét nước. Chẳng thế mà bao năm nay, ông là một trong số rất ít người có thể lái thuyền chạy khắp Hồ Tây mà không lo chân vịt va vào bất cứ vật cản nào mập mờ phía dưới. Bởi ông thuộc Hồ Tây như lòng bàn tay mình. Nhiều người, dù đã cảnh giác nhưng không tránh khỏi va vào đá hoặc vật cứng dưới đáy hồ khiến chân vịt của thuyền gãy rụng.

Hồ Tây trong ông Bân lúc này là một miền ký ức đầy khắc khoải như người cha nghĩ về đứa con yêu thương của mình.
 

Trước cửa làng Võng Thị, phường Bưởi, mộ cổ nhấp nhô gợi sự tò mò của dư luận xã hội

Tin tức PV thu nhận từ ông Bân, ở Hồ Tây hiện có 4 nghĩa trang. Nghĩa trang thứ nhất nằm ở Nghi Tàm, rộng chừng 1ha. Nghĩa trang thứ hai ở làng Hồ (thuộc khối 74). Nghĩa trang này khá to, từ dốc Tam Đa đi lên qua đền Voi Phục, nghĩa trang nằm ở bên tay phải đi ra ngoài hồ chừng 500m, nằm phía dưới làng Võng Thị. Nghĩa trang này ngày xưa cây cối um tùm rậm rạp, xanh rì. Sâm cầm, cò, vạc, bìm bịp, cuốc… nhiều lắm về đó tụ họp sinh sống. Những mùa thu, đông đến, chúng về đậu hàng đàn, bơi trên Hồ Tây thanh bình. Phía trên làng Võng Thị một đoạn, giáp với khu vực đầm đất là nghĩa trang thứ ba. Còn nghĩa trang thứ tư nằm ở phía chùa Thiên Niên (Xuân La) thẳng xuống.

Bốn nghĩa trang không thể đoán được hết có bao nhiêu ngôi mộ. Chỉ ước chừng có hàng vạn ngôi mộ mà không có thống kê một con số chính xác nào. Những năm 1968 -1971, nghĩa trang Nghi Tàm vẫn còn um tùm cây cối, nơi đó còn cao để đắp khá nhiều ụ pháo bắn máy bay Mỹ bảo vệ khu Trung ương.

Sau này, “thủy phá thổ”, sóng đánh vỡ các nghĩa trang, trật hết cả tiểu sành. Sóng đánh rất tợn nhất là vào những ngày giông bão. Sóng đánh trơ hết tiểu sành, xương sọ người. Người dân làng Yên Phụ ngày ấy vẫn thường ra đổ hết xương đi rồi lấy tiểu sành kè vào mép cầu ao nhà mình cho chắc chắn. Những gia đình ở làng Yên Phụ ngày ấy đa số vẫn là nền đất, khi sóng Hồ Tây đánh vào thì phải kè, chống. Không biết kè bằng cái gì vì kè đá thì không đủ sức, do vậy người ta vác tiểu sành về kè. Rồi những chiếc ván, gỗ làm quan tài thường là gỗ rất tốt, người dân cũng ra vớt mang về đóng tủ nhà mình. Thậm chí có những chiếc tủ còn hiện cả hình thù lạ lẫm, khiến người ta liên tưởng nhiều điều.

Ông Bân nói: “Những gia đình ấy sau này đều gặp tai họa. Dù sao, so với đời sống tâm linh thì đó cũng là việc làm tội lỗi. Có người kém tôi 5-6 tuổi mang về nhà vài trăm chiếc tiểu sành xếp ở bờ Hồ. Sau này, tôi được biết người đó cũng không tránh khỏi tai họa vì đã có những hành động mộ phạm”.

Nói về tôm cá dưới Hồ Tây, nhiều người cho rằng nó được sống chung với 4 nghĩa trang cổ ngàn năm cũng là đúng nguyên nghĩa. Vì thế, nhiều người vẫn bảo rằng: Tôm cá dưới Hồ Tây được nuôi bằng 4 nghĩa trang dưới lòng hồ vì thế nó sinh ra những "quái ngư", những con cá, con cua ma hình thù không bình thường khiến người Hà Nội tận mắt thấy đều sợ thót tim.

Nghe điều này, ông Bân cười: "Động vật bị biến đổi hình dạng vì môi trường sống, hay đột biến gen đâu chẳng có, riêng gì Hồ Tây. Nhưng những gì gắn với Hồ Tây nơi lòng hồ ôm giữ 4 nghĩa trang cổ đề trở thành những câu chuyện huyền bí một đồn mười, mười đồn trăm cứ nhân mãi lên không bao giờ hết"...

Ông Bân còn bật mí cho tôi biết thêm nhiều bí ẩn về ngôi mộ của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương còn dưới đáy Hồ Tây. Nhưng tôi sẽ trở lại câu chuyện li kì này vào một bài báo khác.

Còn Hồ Tây hôm nay với tôi, một ngày thu nắng vàng ruộm, màn sương mờ giăng giăng, nghe gió từ mãi sông Hồng phả vào mặt mát lạnh. Người ta đã giải mã rất nhiều ẩn tích xung quanh hồ nước rộng lớn này, nhưng có những điều khó giải đáp như hàng ngàn ngôi mộ cổ. Đó cũng là điều khiến Hồ Tây hôm nay càng thêm mênh mang huyền bí.
 
>> Tận cùng sự thật "quái vật" Hồ Tây khiến người Hà Nội thót tim
>> Câu được “quái ngư” ở Hồ Tây
 
Theo Dương Thu (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật