Bộ TN&MT vừa phát thông cáo báo chí bác bỏ tin đồn trên mạng xã hội về việc nhà máy của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh phát thải chất độc dioxin/furan.
Về nội dung này, Bộ TN&MT cho biết, đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia môi trường và luyện thép để trao đổi, thảo luận trên cơ sở khoa học và thực tiễn về khả năng phát thải dioxin của ngành công nghiệp gang thép nói chung và của Formosa Hà Tĩnh nói riêng.
Bộ cũng tham khảo hướng dẫn Môi trường - Sức khỏe - An toàn ngành sản xuất tổng hợp của chương trình tư vấn IFC tại Đông Nam Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới.
Ngày 27/4, đoàn công tác của Bộ trưởng TN&MT kiểm tra tiến độ khắc phục các vi phạm môi trường tại Formosa |
Theo Bộ TN&MT, ngành sản xuất thép trên thế giới có ba công nghệ chính gồm chu trình kín, chu trình hở và chu trình luyện kim phi coke (cốc).
Tổ hợp gang thép của FHS sử dụng công nghệ sản xuất thép theo chu trình kín; công nghệ sử dụng đã được các tổ chức có uy tín trên thế giới, tiên tiến của EU và Nhật Bản, được đầu tư bài bản, quy mô lớn, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới.
Đối với công đoạn thiêu kết quặng sắt, FHS đã lắp đặt và đang vận hành thử nghiệm là công nghệ mới, tiên tiến (nguyên liệu đầu vào gồm: quặng sắt nhập khẩu từ Úc, Braxin; chất trợ dung là dolomit, đá bạch vân và đá xà vân, đá vôi; cốc vụn và than gầy; vảy cán thép), thời gian từ khi nhập liệu đến khi ra quặng thiêu kết khoảng 25-76 phút (tùy thuộc vào lớp liệu dày hay mỏng, độ thông khí của lớp liệu).
Nhiên liệu sử dụng cho thiêu kết quặng là khí COG sạch (thành phần gồm: CO, H2, CH4) đốt trên bề mặt và dùng quạt hút để hút dòng khí nóng xuống phía dưới (nhiệt độ đốt trên bề mặt là 1.100 – 1.150oC và dòng khí ra khỏi công đoạn thiêu kết có nhiệt độ từ 120-140oC) được xử lý bằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, có lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh để kiểm tra, giám sát.
Kết quả đo đạc và phân tích mẫu khí thải ống khói xưởng thiêu kết của FHS trong hai ngày 17-18/2 (đo 3 lần) do Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện cho thấy, nồng độ tổng dioxi/furan là 0,361-0,388 TEQ ng/Nm3, nhỏ hơn nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép (QCVN 51:2013/BTNMT cho phép tổng dioxin/furan tính theo TEQ nhỏ hơn 0,6 ng/Nm3).
Lò chuyển thổi oxy (BOF) của FHS đã lắp đặt là công nghệ mới của Nhật Bản (thổi đỉnh bằng oxy và khuấy đáy bằng Nitơ) sử dụng 90% gang lỏng của Lò cao với nhiệt độ từ 1.400-1.500oC và sử dụng khoảng 10-12% thép phế sạch để làm nguội.
Theo Bộ TN&MT, cũng như các Lò BOF tiên tiến khác trên thế giới, khả năng phát thải dioxin/furan từ lò BOF của FHS sử dụng thép phế liệu sách là rất thấp thấp và thấp hơn nhiều QCVN 51:2013/BTNMT cho phép.
Với các thông tin khoa học nêu trên, hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học để khẳng định tin đồn trên các trang mạng như nêu ở trên là không chính xác.
"Trong quá trình luyện thép của FHS có thể phát sinh ngoài chủ ý một lượng không đáng kể dioxin/firan từ công đoạn thiêu kết quặng sắt, tuy nhiên hoàn toàn có thể kiểm soát được quá trình phát thải này” - thông báo nêu rõ.
Bộ TN&MT đã và đang phối hợp chặt chẽ với Viện Công nghệ môi trường - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Quan trắc môi trường - Tổng cục Môi trường, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - Bộ Quốc phòng, Tổ giám sát của Bộ TN&MT và tỉnh Hà Tĩnh, một số cơ quan khoa học và tổ chức quốc tế liên quan giám sát chặt chẽ, đo đạc và phân tích khí thải hàng ngày, bao gồm cả dioxin/furan của FHS.
Theo Trần Phương (VietNamNet)