Sự thật về thông tin chấn động '9 bé trai bị bán qua biên giới'

24/11/2019 14:01:51

Thông tin "một đường dây nghi buôn bán trẻ em chuẩn bị được đưa qua biên giới thì bị công an bắt giữ" được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Khoảng chiều tối ngày 23/11, trên mạng xã hội lan truyền thông tin với nội dung: "Công an huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vừa ngăn chặn một vụ đưa trẻ em trái phép qua biên giới, khả năng là buôn bán trẻ em. 9 bé trai đã được giải cứu".

Thông tin được chia sẻ kèm theo hình ảnh 3 người phụ nữ và 9 bé trai. Thậm chí, người đăng tải còn cho rằng, do nhân thân của 9 cháu bé chưa được làm rõ nên Công an huyện Phong Thổ ra thông báo khẩn để thu thập thông tin, đồng thời tìm người nhà của các nạn nhân…

Sau khi những nội dung kia được lan truyền trên mạng xã hội Facebook đã gây sự chú ý, hoang mang trong dư luận.

Sự thật về thông tin chấn động '9 bé trai bị bán qua biên giới'
Tin đồn thất thiệt được đăng tải công khai trên Facebook.

Trao đổi với phóng viên sáng 24/11, lãnh đạo phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Lai Châu cho biết: "Tất cả những thông tin lan truyền đó là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lai Châu không hề có vụ việc giải cứu 9 bé trai bị đưa qua biên giới".

Cũng theo vị này, cơ quan công an đã nắm được những thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội. Hiện, Phòng Cảnh sát Hình sự đang phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành xác minh, làm rõ, truy tìm đối tượng tung thông tin sai sự thật.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hình ảnh 3 người phụ nữ được đăng tải kèm những thông tin bịa đặt, thực chất là 3 đối tượng trong một vụ án mua bán phụ nữ mà Công an huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) đã triệt phá vào hồi tháng 8/2019.

Còn đối với hình ảnh 9 bé trai được đăng tải kèm theo nội dung "bắt cóc trẻ em bán qua biên giới", thực chất là hình ảnh của các cháu bé tại một trung tâm bảo trợ xã hội.

Sự thật về thông tin chấn động '9 bé trai bị bán qua biên giới' - 1
Những thông tin sai sự thật sau khi được đăng tải trên Facebook đã được cộng động mạng lan truyền nhanh chóng.

Đối tượng đưa thông tin bịa đặt lên mạng xã hội đã cố tình lấy ảnh của 3 bị can trong một vụ án ghép với ảnh 9 cháu nhỏ của một trung tâm bảo trợ xã hội để "minh họa" cho bài viết nhằm "câu view", gây sự chú ý cho người đọc.

Cơ quan công an khuyến cáo, người dân khi tiếp nhận những thông tin trên mạng xã hội cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ, không nên đăng tải những thông tin thiếu chính xác, không được kiểm chứng khiến dư luận hoang mang; trước khi chia sẻ thông tin cần suy nghĩ kỹ càng, tránh vì thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật…

Khoản 1, điều 5 nghị định 72/2013/NĐ-CP đã quy định các hành vi bị cấm cụ thể là lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: chống lại Nhà nước; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước, quân sự; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin sai sự thật...

Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)