“Quái thú” được cho ở Vĩnh Phúc đang gây xôn xao thực chất là loài kì nhông khổng lồ hiếm đang được bảo vệ chủ yếu phân bổ ở Nhật Bản.
Sau đó, một diễn đàn lớn đã chia sẻ lại hình ảnh này và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng với lời mô tả: “Con vật kỳ lạ này vừa được phát hiện tại Vĩnh Phúc. Không rõ là khủng long hay là thằn lằn nữa nhưng nhìn đồ vật xung quanh gồm cái mâm với cái thớt chắc dễ dự đoán được kết cục của nó rồi”.
|
"Quái thú" ở Vĩnh Phúc được đăng tải trên diễn đàn đang gây xôn xao cộng đồng mạng. |
Nhiều người sau đó đã chứng minh đây là một loại kì nhông "khổng lồ''.
Mới đây, theo tìm hiểu, "quái vật" đang gây xôn xao ở Vĩnh Phúc này có tên gọi tiếng Anh là Giant Japanese Salamander (kỳ giông khổng lồ Nhật Bản) vì chủ yếu phân bố ở Nhật. Đây là loài kỳ giông to lớn thứ nhì trên thế giới, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, tuổi thọ cao (có thể tới 80 năm), sống sót từ Thượng kỷ Jura, cách đây khoảng 140 triệu năm. Loài này được chọn là loài vật biểu tượng quốc gia đặc biệt vào năm 1951 và đã được bảo vệ.
Vào tháng 7/2014, người dân ở gần sông Kamo, Kyoto, Nhật Bản đã phát hiện ra một con vật có hình thù kỳ dị gần giống với những hình ảnh trên. Con vật này thuộc họ kỳ nhông có chiều dài khoảng 1,5m và chuyên sinh sống vào ban đêm. Loài kỳ nhông này được xếp vào dạng rất quý hiếm.
Liên quan đến thông tin "quái vật" ở Vĩnh Phúc, trên báo Thanh niên, chiều nay (ngày 4/3), ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết ngay sau khi tiếp nhận thông tin và hình ảnh “con thú lạ” được lan truyền và bàn luận xôn xao trên Facebook, đơn vị này đã cử cán bộ vào cuộc tìm kiếm, xác minh nguồn gốc loài động vật này.
|
Cận cảnh con vật lạ ở Vĩnh Phúc. |
Cùng ngày, cán bộ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc đã được cử xuống địa bàn để lấy thông tin xác minh. Do đây là loại động vật lạ, chưa rõ ràng về nguồn gốc, phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc có đề nghị công an xã, chính quyền địa phương mời các cá nhân có liên quan cung cấp thông tin.
Cũng theo ông Tâm: “Trong trường hợp đã bán, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc cũng phải biết rõ, con thú lạ này được bán cho ai, ở đâu. Khi truy tìm được, chúng tôi sẽ mang về Viện tài nguyên sinh vật Việt Nam mời các nhà khoa học tiếp tục xác minh, nghiên cứu”.
Hiện thông tin về “quái vật” ở Vĩnh Phúc vẫn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng.
Theo Lan Anh (Đời Sống & Pháp Luật)