Chiều 11/3, một bài đăng trên mạng xã hội Facebook đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khi chia sẻ hình ảnh hai Mặt Trời cùng lúc xuất hiện trên bầu trời hồ Tây (Hà Nội) với chú thích: “Hiện tượng ‘lạ’ được ghi lại tại Hồ Tây - Hà Nội. Không biết là gì nhưng nhìn đẹp và ảo quá”.
Bài đăng đã thu về hơn 5.000 lượt tương tác và hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ.
Trao đổi với Dân Trí, Nguyễn Lê Thảo Nguyên - chủ nhân của những bức hình trên cho biết, thực tế video chị đăng tải được quay vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn (tức ngày 11/2), không phải vào ngày 11/3 vừa qua như mạng xã hội chia sẻ.
Thảo Nguyên chia sẻ, chị sinh sống ở Huế, ra Hà Nội chơi vào dịp Tết, vô tình ghi lại khoảnh khắc trên. Tại thời điểm ghi lại hình ảnh đó, chị thấy bầu trời đẹp nên đứng lại quay hình làm kỷ niệm rồi lên xe đi luôn. Gần đây, chị mở ra xem lại mới ngạc nhiên vì thấy hình ảnh "hai mặt trời" rõ nét xuất hiện cùng lúc trên bầu trời nên đăng lên mạng nhờ mọi người lý giải giúp.
Chị Nguyên khẳng định hình ảnh được chị ghi lại vào thời điểm hơn 17h15 chiều 11/2, bằng camera thường của điện thoại, không thông qua phần mềm chỉnh sửa.
Theo lý giải của một chuyên gia khí tượng, hình ảnh "hai mặt trời" xuất hiện cùng lúc như video được ghi lại là rất hiếm gặp. Điều này có thể chỉ diễn ra trong khoảnh khắc ngắn, do khúc xạ và tán xạ ánh sáng trong khí quyển sẽ tạo ra ảo ảnh của Mặt trời khi gặp điều kiện phù hợp.
Chuyên gia cho biết đây hoàn toàn là hiện tượng khoa học. Hiện tượng này xảy ra nhiều ở các vùng địa cực, nhưng hiếm xuất hiện ở những nơi khác.
Trước đó, vào 7/7/2023, tại Nghi Tân, Tứ Xuyên, Trung Quốc cũng đã xuất hiện cảnh tượng có 2 mặt trời cùng xuất hiện trên bầu trời. Theo hình ảnh ghi lại, cả hai mặt trời đều phát sáng chói chang, mặt trời thứ 2 đứng sau mờ hơn một chút.
Hiền Lê (SHTT)