Nuôi búp bê Lukthep, Kumanthong của Thái Lan để cầu tài lộc, may mắn
Kumanthong còn được gọi là Quỷ Linh Nhi, loại bùa ngải huyền bí đến từ Thái Lan trong hình hài búp bê. Nhiều người tin rằng Kumanthong mang linh hồn của trẻ con và sẽ đem lại may mắn, giàu sang và bảo vệ chủ nhân khỏi những tai ương. Chủ nhân thường thờ phụng, đối xử với Kumanthong như trẻ em thật, cho ăn và mặc quần áo đẹp.
Thực hư về quyền phép của búp bê Kumanthong, Lukthep chưa được kiểm chứng, nhưng trào lưu một bộ phận người Việt nuôi búp bê có nguồn gốc Thái Lan để cầu tài lộc đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, việc nuôi Kumanthong, Luckhep chỉ là một nhánh nhỏ của trào lưu dùng bùa phép.
Khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam, các loại bùa phép không được bày bán tại các cửa hàng có đăng kí kinh doanh, mà chủ yếu bán hàng online, đăng kí và thỏa thuận mua hàng trên facebook, zalo, viber…
Theo quảng cáo "chắc nịch" của một số người bán hàng cam kết rằng "không linh không bán/ không độc hiếm không bán/giá không yêu thương không bán". Và chắc hẳn là "nghề nào bùa nấy": muốn tình duyên suôn sẻ thì dùng bùa yêu, bùa hồ ly; các tú ông tú bà muốn làm ăn phát đạt thì thỉnh bùa quyến rũ; những người nghiện cờ bạc, lô đề thì mang bùa Takut vào casino; muốn kinh doanh buôn bán thuận lợi, có sức khỏe, trí tuệ minh mẫn thì thờ Lukthep, Kumanthong... Mỗi loại bùa có cách đọc chú riêng, khi các tín đã trả tiền, lấy hàng thì câu chú sẽ được gửi kèm.
Có đủ các kích cỡ, chủng loại bùa đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tín. Tín nào ít tiền, thích sự tiện dụng thì dùng amulet (bùa lá) có thể bỏ túi mang theo. Tín nào có thời gian thì thỉnh Lukthep về nuôi. Lukthep là búp bê trai hoặc gái bằng vải được thầy phép vẽ chú và gắn thanh tài lộc trên người.
Với Lukthep phải chăm sóc như con, đi đâu cũng phải cho con đi cùng thì con mới phù trợ cho bố mẹ gặp may mắn, phát tài phát lộc. Tín nào ít thời gian hơn thì thờ Kumanthong - tượng em bé được thờ kín đáo trong nhà, không phải chăm sóc, cho ăn uống.
Đặc biệt nhất là dòng Kumanthong phép đen, theo lời quảng cáo được làm từ những chất liệu đầy ma quái như tóc của người chết không phân hủy, từ tro người chết trẻ nên độ thiêng cực cao, giá tiền vì thế cũng cực đắt!
Có những Kumanthong có giá vài trăm triệu đồng mà vẫn cháy hàng. Mặc dù luật pháp Thái Lan đã nghiêm cấm việc chế tạo và sử dụng Kumanthong, Lukthep nhưng những đồn thổi về quyền năng siêu phàm khiến mặt hàng này vẫn được nhiều người săn lùng.
Kèm theo việc bán bùa phép là một loạt các dịch vụ như xăm phép, dán mặt nạ vàng, tắm hóa giải nghiệp chướng, xăm nốt ruồi tài lộc... đều do thầy phép đến từ Thái Lan thực hiện.
Theo tìm hiểu của PV VTV24 khi mục sở thị một cở sở chuyên bán búp bê Kumanthong tại quận Hoàng Mai, Hà Nội trước đó thì người bán quảng cáo các năng lực "trên trời" của búp bê Kumanthong, dẫn ra nhiều câu chuyện hoang đường để khẳng định mỗi búp bê mình bán đều có linh hồn.
"Thầy yểm phép các thứ hết rồi. Các bạn để chậu nước rồi đốt nến, nói là "Hôm nay bố muốn đánh con lô, con đề, con cho bố số". Thế là cái nến tự nhiên nó nhỏ xuống, theo số người ta luận rồi đánh luôn. Có cái cô đấy cô vừa thỉnh từ nhà mình về xong, thì hôm đó ăn đúng đề 10, lô 10.
Có bé còn mở được iPad xem hoạt hình. Có uống nước được, em cứ mua cái vòi 10 nghìn 1 gói to tướng ở ngoài hàng ấy" - người phụ nữ bán búp bê Kumanthong quảng cáo.
Được biết, giá mỗi búp bê, tượng Kumanthong được bày bán tại địa chỉ này có giá 5-10 triệu đồng tùy độ mạnh của bùa phép. Loại nhỏ, rẻ hơn thì có giá 1,2 triệu tuy nhiên cũng được quảng cáo là mạnh không kém.
Sau khi bán được 1 búp bê Kumanthong cho phóng viên, người bán cho biết mỗi ngày đều phải cúng búp bê 3 bữa cơm canh, ngoài ra còn đưa 1 tờ giấy ghi các câu thần chú để niệm mỗi khi cúng cơm cho búp bê.
Lật tẩy bí ẩn đằng sau những clip búp bê Kumanthong tự uống sữa
Các chủ shop bùa phép đều khẳng định bùa chú họ cung cấp là hàng chuẩn, được những thầy phép Thái Lan cao tay yểm phép, do đó đảm bảo độ linh thiêng. Thậm chí, người bán còn quảng cáo dò hình thù kỳ dị, chất liệu đặc biệt được giới thiệu là làm từ đất nghĩa trang, gỗ quan tài, thậm chí đeo cả... "xương người chết" khiến những con Kumanthong có giá lên tới 6 triệu đồng.
Trước những đoạn clip búp bê Kumanthong có thể tự uống nước và hút sữa như người bình thường được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người bán tín bán nghi. Hay thậm chí, một số người bán hàng còn cho biết búp bê này có năng lực di chuyển đồ vật, chỉ cần đặt chiếc điều khiển từ xa lên bàn thờ cúng là tự biết bấm để chơi ô tô đồ chơi. Tuy nhiên khi được yêu cầu cho búp bê Kumanthong chơi thử ô tô, người đàn ông bán hàng lại từ chối với lý do "hết pin rồi"!?
Để lý giải về hiện tượng Kumanthong tự uống nước, phóng viên cũng đã có màn thí nghiệm nhỏ ngay tại trường quay. Theo đó, không cần sự có mặt của búp bê Kumanthong, chỉ với 2 hộp sữa cắm ống hút cùng 2 chiếc dây dẫn có nối sẵn 1 đầu xi-lanh, phóng viên đã có thể làm cho sữa chảy ra từ bên trong hộp.
Sữa chảy nhanh hay chậm, ít hay nhiều đều do áp lực bơm từ xi-lanh. Có thể thấy nếu không quay góc quay rộng hoặc khéo léo giấu đi những dây dẫn, đây chính xác là chiêu trò Kumanthong xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.
Hệ lụy khôn lường từ việc nuôi búp bê Kumanthong để cầu may
Để thỏa mãn sự cuồng tín và tham vọng, nhiều người đã bỏ không ít tiền thỉnh bùa về thờ và đắm chìm vào thế giới phép thuật, bùa chú, xa rời thực tại, trở thành những người mê tín dị đoan.
Nhiều người lợi dụng điều này, để kinh doanh trục lợi, gieo rắc những điều kì quái trong cộng đồng. Sống ảo với các loại bùa chú, nhiều người rơi vào trầm cảm, ảo giác. Thị trường bùa chú còn tạo điều kiện cho những hình thức kinh doanh buôn bán trái pháp luật nở rộ, gia tăng tệ nạn xã hội như nạn cờ bạc, mại dâm…
Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn này, GS.TS Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa - du lịch Việt Nam - cho biết: "Những người tin vào bùa phép, tin vào quyền năng của ma quỷ sẽ không có ý thức lao động chân chính, mong chờ quyền lực siêu nhiên giúp mình đạt được mục đích.
Khi không đạt tham vọng sẽ càng mê muội, ích kỉ, thậm chí trở nên độc ác, dám đi hại người khác. Đây là một vấn nạn nguy hiểm cho xã hội. Chính vì vậy, mỗi người cần giữ cho mình lí trí tỉnh táo để nhìn nhận hiện tượng này.
Không nên tin vào những đồn thổi về quyền phép của bùa chú, tối ngày chăm sóc vật vô tri để cầu tài lộc, tiền mất tật mang. Sự tốt lành sẽ đến bằng hành động và lời nói tích cực, đúng đắn của mỗi người."
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, cho biết, chính phủ Thái đã cấm Kumanthong được lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, loại búp bê này đang được một bộ phận giới trẻ Việt ưa chuộng.
Những con búp bê vô tri vô giác được cho ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo đẹp và được người nuôi cưng như con. Nhiều người còn cho rằng, nuôi búp bê Kumanthong sẽ gặp may mắn và tài lộc vì chúng đã được yểm bùa. Một vài ý kiến khác thì cho rằng, nuôi Kumanthong sẽ giúp người nuôi thực hiện các ý đồ xấu như hại người khác…
Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, quan niệm trên hoàn toàn sai lầm, đi ngược với những giá trị tốt đẹp của cuộc sống và là một hình thức để người xấu lợi dụng.
Hơn nữa, việc cho rằng Kumanthong giống như các thai nhi và tận dụng nó để làm các việc bất chính là một tội ác. "Các thai nhi chưa được chào đời bị tước đi mạng sống đã rất thiệt thòi, chúng ta đừng vì lòng ích kỷ, những mê tín mông muội mà làm xấu thêm chuyện đã đau lòng", Tiến sĩ Khanh nói.
Ông cũng cho rằng, trong Phật giáo không có chuyện yểm bùa. Quan niệm yểm bùa trong búp bê chỉ là những điều thiếu căn cứ, nếu chúng ta nghe và làm theo sẽ tạo điều kiện cho các thành phần kinh doanh bất chính hưởng lợi.
Câu chuyện về bùa ngải có thực sự linh nghiệm hay không vẫn là một điều bí ẩn. Nhưng với tình trạng buôn bán không kiểm soát, giao dịch bí ẩn, đưa thông tin quảng cáo là hoàn toàn vi phạm pháp luật.
Mỗi cá nhân đều có quyền tự do tín ngưỡng, nhưng cũng cần tỉnh táo để hiểu rằng nếu thứ gì đó được coi là linh thiêng thì không thể được rao bán đại trà, tràn lan. Không nên bỏ ra một số tiền lớn để mua về những thứ không chắc đã có lợi cho mình. Làm vậy chẳng khác nào tự biến mình thành con mồi béo bở để người khác lợi dụng và kinh doanh phi pháp.
Theo Nam An (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)