Dù đã vào lớp 2, nhiều học sinh Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A, tỉnh Sóc Trăng không nhận biết được chữ cái. Hỏi 1 cộng 1 bằng mấy, các em cũng không biết.
Không biết một chữ!
Ngày 11-9, phóng viên đến nhà em H.K.L. (ấp Hồi Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng). Đưa sách Tiếng Việt lớp 2 cho Long đọc, em lắc đầu trả lời: "Con không biết đọc".
Phóng viên đề nghị L. đánh vần một chữ trong bài "Anh em", sau một hồi căng thẳng, L. cũng lắc đầu.
Ông Huỳnh Hà Thắng, hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A kiểm tra khả năng đọc của K. và T. - Ảnh: K.T. |
Ông Hàng Minh Dũng (ông nội L.) cho biết do hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ của L. lên Bình Dương làm công nhân, tết mới về, giao chị em L. cho ông bà nội nuôi.
"Học hết lớp 1, thấy cháu đọc chậm, đánh vần chưa được, tôi có đề nghị cô giáo cho cháu ở lại lớp nhưng cô nói L. có tên trong danh sách lên lớp thì cứ học. Hơn nữa, ba mẹ cháu lỡ mua sách lớp 2 rồi, bỏ thì uổng", ông Dũng phân trần.
Chúng tôi thử cho Long cộng trừ trong phạm vi 10, L. cũng không làm được. "Ngày nào tôi cũng dạy kèm thêm cho cháu, nếu không nó tệ hơn", ông Dũng cho biết.
Cách đó không xa, cặp sinh đôi N.N.K., N.N.T. (bạn cùng lớp với L.) cũng không khá hơn. Với những con chữ dễ, sau một hồi đánh vần, khó khăn lắm, T. mới đọc được vài từ. Còn K., những bài trong Tiếng Việt lớp 2, em không thể đánh vần.
Ngay cả với một số chữ cái, em cũng không biết. Khi được hỏi tụi con có biết đọc chữ không, K. và T. ngây thơ trả lời: "Anh em con không biết đọc".
Cũng như L., T. và K. làm toán trong phạm vi 10 cũng gian nan. Phóng viên hỏi 2 cộng 2 bằng mấy, "cặp đôi" này phải bẻ ngón tay, nhưng rất lâu sau mới có đáp án, nhưng cũng sai.
Hiệu trưởng: "Do thấy người lạ các em run"
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Hà Thắng, hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng, cho biết trường của ông đạt chuẩn quốc gia năm 2004, năm học này tổng số học sinh toàn trường 902 em, trong đó khối 1 có bốn lớp với sĩ số 119 em.
Dịp hè, trường tổ chức bồi dưỡng năm tuần cho những học sinh học yếu, sau đó tổ chức thi, em nào đạt kết quả tốt được lên lớp.
"K. và T. đã vượt qua kỳ thi này. Việc tổ chức thi có hội đồng, có giám sát nên được đánh giá khách quan, không có chuyện bị áp lục hay chạy theo thành tích", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, sở dĩ đầu năm học có một số em "đọc viết yếu" là do ba tháng nghỉ hè không đụng đến sách vở.
"Cũng có thể thấy người lạ, các em run, chứ tôi không tin chuyện học sinh lớp 2 mà không biết đọc", ông Thắng quả quyết.
Chúng tôi đề nghị ông Thắng cùng đến nhà các em để được "mắt thấy tai nghe". Sau hai lần dùng dằng, ông Thắng đồng ý đi. Sau khi tự kiểm tra khả năng đọc của em K. và T., ông Thắng thừa nhận: "Học như vậy sao được lên lớp 2?".
Trước mặt chị Nguyễn Thị Châu (mẹ em K. và T.), ông Thắng nhận trách nhiệm, xin lỗi và động viên gia đình nên cho hai cháu xuống học lớp 1. "Sáng mai, chị đưa hai cháu vào trường, tôi sẽ sắp lớp, cho các cháu học lớp 1 có sĩ số ít để tập trung rèn luyện thêm", ông Thắng đề nghị.
Theo ông Thắng, đây là bài học xương máu. "Nội bộ nhà trường sẽ có buổi họp để mổ xẻ trách nhiệm. Qua đây, chúng tôi sẽ rà soát, những em ngồi nhầm lớp sẽ được sắp xếp lại", ông Thắng cho biết.
Theo Khắc Tâm (Tuổi Trẻ)