Những ngày gần đây, trên mạng xã hội nhiều người đã chia sẻ về hoàn cảnh đáng thương của một người phụ nữ cùng 2 đứa con nhỏ. Theo chia sẻ thì người phụ nữ này bị lừa bán sang Trung Quốc và mới trốn được về Việt Nam cùng 2 đứa con nhưng không nhớ quê quán ở đâu. Nhiều người đã thương tình cho chị này tiền để bắt xe về quê. Nhưng sau khi câu chuyện được chia sẻ rộng rãi, sự thật mới vỡ lẽ, rằng đây là một màn kịch để lợi dụng lòng thương hại của mọi người.
Theo thông tin được cư dân mạng chia sẻ thì người phụ nữ trông dáng bộ rất tội nghiệp, dắt theo 2 đứa trẻ nhếch nhác. Khi có người hỏi thăm, chị ta khóc lóc kể rằng mình bị lừa bán sang Trung Quốc, lấy một ông nông dân già hơn 60 tuổi và sinh được 3 đứa con, 2 gái 1 trai. Chị thường xuyên bị chồng đánh đập dẫn đến mất trí nhớ.
Vì không có tiền sinh sống nên chị đã phải bán đi một đứa con, sợ phải bán thêm con nữa nên chị đã ôm 2 đứa trẻ trốn về Việt Nam. Một mình ôm con nhỏ vượt đường rừng núi, cuối cùng chị cũng về được Việt Nam, nhưng không nhớ quê mình ở đâu, chỉ nhớ là Thanh Lan hay Thanh Lam, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, ở gần cầu Lai Vu.
Câu chuyện đã nhanh chóng nhận được sự thương cảm của hàng chục nghìn cư dân mạng, nhiều người đã bày tỏ việc muốn giúp đỡ người phụ nữ này bằng cách cho tiền hoặc tìm cách đưa về quê hương chị ta ở Hải Dương. Tuy nhiên, chị ta không cần người đưa về quê và nói vẫn nhớ đường, chỉ không có tiền thuê xe về. Vì vậy nhiều người đã cho chị không ít tiền và đưa ra bến xe để chị này bắt xe khách về quê.
“Khi thấy chị ấy kể hoàn cảnh thấy khổ quá, vì có anh trai làm công an nên tôi ngỏ ý muốn giúp chị ấy đưa lên công an để họ tìm quê giúp chị ấy, nhưng chị khóc lóc nói không muốn làm phiền, chỉ muốn bắt xe về quê thôi vì chị ấy vẫn nhớ đường về. Tôi đã đưa mẹ con chị ấy ra bến xe, cho 500 nghìn đồng và đi mua thêm bánh sữa cho con bé con ăn. Khi về tôi đã rất vui vì cảm thấy mình đã làm được điều gì đó cho người khác. Kể câu chuyện với anh trai, anh tôi bảo là bị lừa nhưng tôi không tin. Nhưng mấy hôm sau thấy có người kể chuyện gặp một chị y như thế thì tôi mới biết đúng là mình bị lừa thật, thật bức xúc”.
Tương tự chị Giang, nhiều người cũng nhanh chóng nhận ra người phụ nữ này đã từng có mặt ở nhiều nơi để diễn màn kịch bị bán sang Trung Quốc. Không ít người đã cho tiền, đưa chị ta ra bến xe để về nhà, nhưng chỉ đi được một đoạn chị ta lại xuống xe và vài hôm lại thấy xuất hiện ở một khu vực khác.
Người phụ nữ này là ai?
Khi hình ảnh người phụ nữ được lan trên mạng thì một số cư dân mạng ở Quảng Ninh cũng nhanh chóng nhận ra người phụ nữ này và cho biết chị ta ở xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thường xuyên đi lừa đảo. Anh Nguyễn Thành Nam (xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Tôi ở cùng xã với người phụ nữ này, chị ta tên là Nương, con ông Điềm ở thôn 2. Ở xã chị ta đã khá nổi tiếng vì chuyên đi lừa đảo kiểu này, ở đây ai cũng biết.
Theo những thông tin trên, chúng tôi đã liên hệ với cơ quan chức năng xã Quảng Minh để xách minh về người phụ nữ này. Ông Phạm Văn Giang, trưởng Công an xã Quảng Minh xác nhận người phụ nữ này đúng là đang cư trú ở địa bàn, chị ta tên Trần Thủy Nương trú ở thôn 2, xã Quảng Minh. Nương đã có chồng và 1 con, gia cảnh khá khó khăn. Bản thân Nương không có nghề nghiệp, chồng làm nghề phụ hồ, còn đứa con thì đã mất cách đây ít lâu.
Sau khi con mất, Nương lần lượt xin thêm 2 đứa con nuôi, một cháu cách đây khoảng 3 năm, còn một cháu cách đây ít ngày và đã lên xã làm các giấy tờ tư pháp để nhận con nuôi. “Khi thấy gia cảnh cô Nương khó khăn mà vẫn nhận những 2 đứa con nuôi cán bộ xã có hỏi thì cô ấy nói vì bị bệnh vô sinh, không có khả năng đẻ nữa nên mới nhận” - ông Giang cho biết.
Cách đây khoảng hơn 1 năm thì Nương thường xuyên bỏ nhà đi đâu đó, chỉ thi thoảng mới về địa phương. “Sau khi đi một thời gian thì có thông tin nói Nương xuống Móng Cái để lừa đảo với màn kịch bị bán sang Trung Quốc và được nhiều người cho tiền. Khi nắm được thông tin, chúng tôi đã đến gia đình gặp bà Bùi Thị Châu là mẹ Nương, yêu cầu bà động viên chị Nương trở về địa phương làm ăn chứ không nên mang những đứa trẻ đi lang thang như vậy. Tuy nhiên từ đó đến nay chị Nương vẫn không về nhà và có thông tin vẫn tiếp tục dùng những thủ đoạn như trên để lừa đảo”.
Ngày càng nhiều kẻ dựng kịch lợi dụng lòng thương
Màn kịch đáng thương giống như người phụ nữ này dựng lên để đánh vào lòng trắc ẩn của mọi người không phải là hiếm. Trước đây đã có nhiều câu chuyện “thương tâm” bị phanh phui khiến nhiều người ngỡ ngàng, thất vọng vì lòng tốt của mình đã trao nhầm người. Chẳng hạn như cách đây ít tháng, tại bến xe Giáp Bát xuất hiện một người phụ nữ bế một đứa trẻ một bên tai băng kín bông gạc, rịn máu ướt đẫm xuống cả vai áo, chị ta ngồi mệt mỏi ở một gốc cây.
Khi có người đến hỏi thì chị kể trong nước mắt rằng con trai chị là Phạm Tuấn A hiện bị ung thư máu, đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Khi phát hiện cháu bị bệnh hiểm nghèo, người chồng đã bỏ đi để lại gánh nặng cho vợ con tự chịu đựng. Hết tiền chạy chữa, mẹ con chị lâm vào cảnh đường cùng, phải ra bắt xe về quê lo vay mượn, nhưng cũng không đủ tiền để về quê.
Thấy hoàn cảnh người phụ nữ quá bi thương, những người lao động nghèo như bác xe ôm, bà bán nước, chị bán bánh mì… tại bến xe Giáp Bát đã tình nguyện đi quyên góp mọi người trong bến xe những mong có tiền cho chị này tiếp tục chữa bệnh cho con mà như chị ta nói thì “phải tiêm thuốc cầm máu một ngày hết hơn 1 triệu đồng”. Sau 3-4 ngày đi ăn xin giúp, số tiền mà những người tốt bụng này đã quyên được lên tới nhiều triệu đồng; nhiều hành khách không mang theo tiền còn về nhà lấy tiền mang đến bến xe ủng hộ cháu bé cả triệu đồng…
Câu chuyện cảm động về tình người được lan truyền thì cũng là lúc màn kịch của người phụ nữ được phơi bày. Đại diện Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết trong hồ sơ lưu các bệnh nhân nhập viện 9 tháng gần thời điểm đó không có bệnh nhân nào tên là Phạm Tuấn A.
Trong khi đó, chính quyền xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên (Hà Nam) - địa phương chị này nói là quê chồng thì cho biết chị ta tên Đinh Thị Lệ có quê gốc ở xã Đức Long, huyện Nho Quan, Ninh Bình. Tuy nhiên đây là đối tượng lừa đảo đang trốn khỏi địa phương, có biệt danh là “Lệ lừa”, và việc con bị ung thư máu hoàn toàn là màn kịch do Lệ dựng lên để lừa đảo lòng thương hại của mọi người.
Tương tự là câu chuyện của nhiều thanh niên giả vờ đói, ngất giữa đường cũng khiến nhiều người xúm vào giúp đỡ. Điển hình trong số đó là một thanh niên tên Tống Văn Phong, bị dị tật ở tay thường xuyên diễn màn kịch đang đi trên đường thì lăn đùng ra ngất. Khi mọi người xúm lại mua đường sữa cho ăn, rồi hỏi han thì anh ta cho biết lên Hà Nội xin việc nhưng vì bị tật không ai nhận, lại bị mất hết ví nên không có tiền mua đồ ăn, không có tiền về quê, đói quá nên bị ngất. Với màn kịch này, anh ta bị phanh phui đã “diễn” suốt 3-4 năm nay, nhưng vẫn có nhiều người tin và cho tiền.
Niềm tin bị đánh cắp
Vâng, lòng tốt và tinh thần giúp đỡ người hoạn nạn ở đâu và lúc nào cũng cần được khuyến khích, đề cao. Nhưng liên tục những màn kịch lừa đảo như vậy bị phanh phui đã khiến nhiều người bức xúc, mất niềm tin và đương nhiên lòng trắc ẩn cũng vơi dần. Những vụ việc được phanh phui cũng chỉ để người dân biết mà đề phòng, chứ hầu như chưa có đối tượng nào bị xử lý. Mà với những người đã trót mắc lừa thì chẳng ai tố cáo, cũng chỉ tặc lưỡi “rút kinh nghiệm” mà thôi. Và chính điều này đã gây nên sự mất lòng tin trong xã hội, khiến con người trở nên thờ ơ, chai sạn, cảnh giác hơn với những hoàn cảnh thương tâm vì sợ lòng tốt của mình bị lợi dụng.
Qua những vụ việc trên xuất hiện ngày càng nhiều, cũng có người đặt câu hỏi liệu có hay không những đường dây chuyên “đào tạo”, “chăn dắt” những đối tượng này, bởi vì chúng diễn quá “chuyên nghiệp”. Nếu có, rất mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra những kẻ đứng đằng sau. Còn hiện tại, chẳng còn cách nào khác, người dân cần cảnh giác khi thấy có dấu hiệu lừa đảo.
Theo Linh Nhật (An Ninh Thủ Đô)