Sự thật 41,7 tỷ đồng gửi ngân hàng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

18/06/2016 06:32:00

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về số tiền trên 41,7 tỷ đồng thu vượt và ngoài quy định về học phí, lệ phí của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về số tiền trên 41,7 tỷ đồng thu vượt và ngoài quy định về học phí, lệ phí của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
 
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Chiều 16/6, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan đã có văn bản trả lời chính thức về vấn đề này. Theo đó, khoản tiền 41,7 tỷ đồng là khoản thu trong năm 2014, trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ (KL số 120/KL-TTCP ngày 16/01/2015).

Khoản thu này bao gồm kinh phí "hỗ trợ đào tạo" của cao học và nghiên cứu sinh, lệ phí nhập học, lệ phí giáo trình, lệ phí kiểm tra tiếng Anh (đào tạo đại học và sau đại học), các khoản thu này được coi là lệ phí ngoài qui định và tiền lãi ngân hàng. 

Các khoản thu này đều được công khai trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Học viện trong các quyết định điều chỉnh học phí hàng năm, và trong giấy báo nhập học của sinh viên và học viên. 

Đối với học phí sinh viên đại học, Học viện thực hiện nghiêm túc theo Nghị định 49 của Chính phủ cho giai đoạn 2010-2015. Từ năm 2015, sau khi nhận được Kết luận Thanh tra, Học viện đã cho chấm dứt việc thu kinh phí ‘hỗ trợ đào tạo” của học viên cao học.

Mặt khác, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng lý giải trong giai đoạn 2011-2013, Học viện cũng đã có các khoản thu này và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận và đề nghị của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan (Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, UBND thành phố Hà Nội) cho phép Học viện được quyết toán tất cả các khoản thu nêu trên. Học viện đã dùng các khoản tiền này để chi cho các hoạt động nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, chi tăng cường chuyên môn, thực hành, thực tập phục vụ người học, chi thỉnh giảng và vượt giờ của cao học.

Về thông tin một số ngành học của Học viện được Nhà nước hỗ trợ 50% học phí, nhưng sinh viên không thấy được hỗ trợ, học phí vẫn tăng, lãnh đạo Học viện cho biết năm học 2015-2016, Học viện thực hiện theo cơ chế tự chủ (Quyết định 873/QĐ-TTg), học phí có tăng hơn nhưng thấp hơn nhiều so với mức đề xuất theo Đề án tự chủ do xét thấy nhiều sinh viên xuất thân từ nông thôn, còn nhiều khó khăn.

Theo Đề án tự chủ, Nhà nước cho phép Học viện tăng học phí hàng năm tới 30% nhưng cắt kinh phí thường xuyên của Học viện từ NSNN (gần 70 tỷ đồng/năm).

Tuy nhiên Nhà nước có hỗ trợ Học viện 40 tỷ đồng (năm 2016) để giữ mức trần học phí cho sinh viên học ngành nông nghiệp thấp hơn so với các ngành khác (6,4 triệu đồng/năm), chứ không phải sinh viên được hỗ trợ 50%; Năm học 2015-2016, số sinh viên học ngành nông nghiệp chỉ chiếm 30% sinh viên của Học viện.

Tất cả sinh viên không phải ngành nông nghiệp nhưng vì đa số sinh viên là con em nông dân, Học viện đã quyết định mức học phí thấp hơn nhiều so với trần học phí đã đề xuất và được Chính phủ cho phép như trên (cụ thể mức tăng học phí năm 2015-2016 của các ngành như mức tăng học phí sinh viên ngành nông nghiệp, tối đa 16,36%).

Vì vậy, mức thu học phí đối với sinh viên các ngành không thuộc khối nông nghiệp của Học viện vẫn thấp hơn nhiều so với sinh viên cùng ngành ở các trường đại học tự chủ khác.

Theo Hoa Ban (Tiền Phong)

Nổi bật