Bản tin lúc 18h ngày 1/6, Bộ Y tế cho biết, đã tròn 46 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới ở cộng đồng. Trong 328 ca nhiễm, có tổng cộng 188 ca là người nhập cảnh được cách ly ngay.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là hơn 7.200 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện chỉ còn 23 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác có hơn 6.300. Số còn lại là cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trong ngày hôm nay 1/6, tiếp tục có thêm 14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó có một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và 13 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Như vậy, tính đến chiều 1/6, trong tổng số 328 ca mắc COVID-19 ở nước ta, tổng cộng đã có 293 người khỏi bệnh/xuất viện (gần 90%), chỉ còn 35 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế. Trong số này cũng đã có 17 bệnh nhân chuyển âm tính với SARS-CoV-2 ít nhất 1 lần (trong đó có 10 bệnh nhân chuyển âm tính 2 lần trở lên).
Bệnh nhân 91 - phi công người Anh - là người duy nhất còn diễn biến nặng, nguy kịch hiện nay. Chiều 1/6, Tiểu ban Điều trị đánh giá bệnh nhân đã tiến triển song tiên lượng vẫn còn nặng dù đã giảm được các thông số ECMO (tim phổi nhân tạo) do sức cơ toàn thân còn yếu. Đặc biệt, các cơ hô hấp và nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị.
Hiện, bệnh nhân tỉnh, có phản xạ ho mạnh hơn và sức cơ tăng, cụ thể chi trên tăng 3/5, chi dưới 2/5. Cơ hoành phải hoạt động nhưng còn yếu (cách đây vài ngày cơ này được đánh giá là liệt).
Phổi của bệnh nhân cải thiện thêm, thông khí phổi tăng và ổn định gấp đôi so với các ngày trước, tuy nhiên các bác sĩ đánh giá bệnh nhân vẫn chưa đạt mức có thể cai ECMO do cơ hô hấp còn yếu và còn thở nhanh.
Ở những lần hội chẩn 3 miền vào đầu tháng 5, phổi của bệnh nhân người Anh này gần như đông đặc (chỉ còn 10%) rồi tăng dần lên 20% - 30% và hiện tăng lên 40% vùng hoạt động được, nhiều chuyên gia nhìn nhận kết quả đạt được đến nay là một kỳ tích.
Lưu lượng máu ECMO hiện là 3,7 lít/phút, các bác sĩ đang giảm dần số lít oxy vào máy ECMO còn 1,5 lít/phút (giảm hơn so với hôm qua), nồng độ oxy (FiO2) vào máy ECMO còn 50%.
Theo quy trình cai ECMO, bệnh nhân sẽ được giảm dần lưu lượng máu vào máy ECMO, sau đó giảm dần số lít oxy và FiO2 vào máy ECMO. Ở thời điểm bệnh nhân diễn biến nặng nhất, số lít oxy vào máy ECMO là 6 lít/phút với FiO2 100%.
Khi số lít oxy vào máy ECMO giảm còn 0 lít, nếu 24 giờ sau bệnh nhân vẫn ổn định, dự kiến các bác sĩ sẽ rút hệ thống ECMO.
Bệnh nhân đã ngưng lọc máu từ ngày 27/5. Chức năng thận đã hồi phục. Phổi viêm do 2 chủng của vi khuẩn Burkholderia cenocepacia. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã thay kháng sinh sau thống nhất của các chuyên gia tại buổi hội chẩn chiều ngày 29/5. Bệnh nhân cũng được truyền liên tục thuốc kháng đông.
Theo T.Nguyên (Giadinh.net.vn)