Sử dụng điện “chùa”: Phát hiện nhiều, xử lý ít

17/05/2017 07:25:00

Vì muốn sử dụng điện “chùa”, nhiều hộ gia đình đã trộm cắp điện, không chỉ làm thất thoát tài sản ngành Điện mà còn có thể dẫn đến sự cố lưới điện, gây mất an toàn, đe dọa tính mạng người dân. Nhưng việc xử phạt vẫn còn hạn chế.

Vì muốn sử dụng điện “chùa”, nhiều hộ gia đình đã trộm cắp điện, không chỉ làm thất thoát tài sản ngành Điện mà còn có thể dẫn đến sự cố lưới điện, gây mất an toàn, đe dọa tính mạng người dân. Nhưng việc xử phạt vẫn còn hạn chế.

su dung dien “chua”: phat hien nhieu, xu ly it hinh anh 1


Ông Lê Quang Đức - Phó Trưởng ban Thanh tra - Bảo vệ (Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN) cho biết, trong năm 2016, các đơn vị thuộc EVN đã rà soát và kiểm tra trên 3,37 triệu lượt khách hàng sử dụng điện và phát hiện 4.560 vụ trộm cắp điện với sản lượng điện truy thu lên đến hơn 15,9 triệu kWh, tương ứng 45,237 tỷ đồng. Số vụ có giảm hơn so với các năm trước, nhưng hình thức trộm cắp điện lại tinh vi và khó phát hiện hơn.

Theo Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, trên địa bàn thành phố, có những trường hợp, đối tượng trộm cắp là những người có trình độ, có chuyên môn, tay nghề cao về điện, đã dày công nghiên cứu làm thay đổi kết cấu hệ thống đo đếm để chiếm đoạt hàng ngàn, thậm chí trăm ngàn kWh mỗi tháng. Để phát hiện, bắt quả tang đối tượng trộm cắp này, đơn vị điện lực phải phối hợp với các cơ quan liên ngành, tốn rất nhiều thời gian, công sức mới truy tìm được thủ phạm.

Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng cho rằng, hành vi trộm cắp điện thô sơ bây giờ ít sử dụng, thay vào đó họ dùng nam châm vĩnh cửu rất nhỏ đặt lên công tơ, khi đó dù công tơ cơ, hoặc công tơ điện tử đều quay chậm. Việc phát hiện cực kỳ khó khăn do đặc thù ở TP.HCM công tơ đặt trong nhà khách hàng, khi ngành Điện đến kiểm tra, khách hàng giấu nam châm vĩnh cửu đi, nên không thể bắt tận tay được.

Khó xử lý hình sự

Để hạn chế tình trạng vi phạm sử dụng điện, EVN đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện những giải pháp phòng ngừa việc can thiệp vào công tơ, mạch đo, gây sai số kết quả đo đếm như: Trang bị công tơ có tính năng theo dõi, giám sát từ xa, công tơ có chức năng cảnh báo chống lại một số hình thức vi phạm sử dụng điện; thực hiện các giải pháp về kẹp chì, niêm phong công tơ, TU, TI, mạch đo chống can thiệp từ bên ngoài…

Trong quản lý, EVN sẽ tiếp tục củng cố bộ máy kiểm tra, giám sát hợp đồng mua bán điện, nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ kiểm tra, giám sát tại các đơn vị. Đồng thời, tăng cường quản lý tổn thất điện năng từng tuyến dây, từng trạm biến áp, so sánh tổn thất điện năng các khu vực với nhau,... từ đó kiểm tra, xử lý kịp thời những bất thường.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Đức, để giải quyết triệt để tình trạng trộm cắp điện, ngành Điện còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân từ việc truy thu sản lượng điện bị mất trộm và xử phạt bằng tiền hiện nay (thấp nhất 2 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng) chưa đủ sức răn đe. Riêng hành vi trộm cắp trên 20.000 kWh có thể bị xử lý hình sự, nhưng việc thực hiện giám định tư pháp, xác định thời gian, số lượng điện năng bị mất còn nhiều vướng mắc. “Nên chăng, cần áp dụng thêm các hình thức phạt bổ sung như, gửi tên người vi phạm về chính quyền địa phương hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên loa truyền thanh của xã phường”, ông Đức chia sẻ.

Cần lưu ý, trộm cắp điện cũng là hành vi trộm cắp tài sản, nhưng việc xử lý hình sự hành vi này còn nhiều bất cập do những quy định không thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Trường hợp trộm cắp điện từ 20 ngàn kWh trở lên, để xử lý về tội trộm cắp tài sản cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu giám định tư pháp, xác định thời gian, số lượng điện năng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Năm 2016, có 74 vụ trộm cắp trên 20.000 kWh điện, ngành Điện chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng đề nghị xử lý hình sự 25 vụ, tuy nhiên không có vụ nào được khởi tố.

Ngoài ra, trường hợp không xác định được thời điểm trộm cắp điện, thời gian vi phạm theo quy định của Thông tư 27/2013/TT-BCT (ngày 31/10/2013) về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện, tính giá trị bồi thường thiệt hại là không quá 12 tháng. Giả sử, trường hợp trộm cắp điện trong thời gian 2 năm thì số ngày tính bồi thường tối đa cũng chỉ 12 tháng. Điều này dẫn đến nhiều thiệt hại cho ngành Điện khi mức truy thu không đúng với thực tế.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân về việc sử dụng và bảo vệ nguồn điện quốc gia. Vì vậy theo ông Đức, ngành Điện rất cần sự phối hợp một cách tích cực của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thời gian tới, ngành Điện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân, không tiếp tay cho các hành vi trộm cắp điện, đồng thời kịp thời phát hiện và tố giác các trường hợp vi phạm.


Theo Việt Hà (Dân Việt)