Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng, lực lượng tìm kiếm máy bay CASA gồm Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Quân khu 3 và tàu cá của ngư dân đã và đang được huy động với quyết tâm cao nhất, khẩn trương và cẩn trọng. Vùng tìm kiếm được chia ô để rà soát, từng ô sẽ không chỉ tìm một lần mà làm đi, làm lại nhiều lần.
“Mọi người đều muốn sớm có kết quả, nhưng khu vực tìm kiếm cứu nạn rộng và thời tiết diễn biến phức tạp hơn. Tìm hiểu lịch sử tai nạn hàng không trên thế giới cho thấy, việc tìm máy bay mất liên lạc trên biển luôn khó khăn, không dễ thực hiện trong 1-2 ngày”, nguồn tin nói.
Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Bộ Quốc phòng. |
Cũng theo ông này, ghi nhận dòng chảy ở khu vực biển Bạch Long Vỹ cho thấy bề mặt từ độ sâu 15 m trở lên thì đẩy sang hướng Đông Bắc. Dòng chảy ở dưới lại theo hướng Tây Nam.
Ông Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đánh giá việc tìm kiếm vật thể trên biển không đơn giản, mặt biển không yên tĩnh như mọi người thường thấy. Biển là môi trường động và thay đổi rất nhanh.
Điều kiện của biển phụ thuộc hai yếu tố là dòng chảy và hướng gió. Trong đó, dòng chảy trên mặt phụ thuộc vào chế độ gió, còn dòng chảy đáy không phụ thuộc vào hướng và thường không đồng hướng với dòng chảy mặt, đôi khi ngược hướng nhau. Dòng chảy sát đáy ngắn chỉ trong phạm vi nhỏ hơn 10 km trong vùng biển giữa vịnh Bắc Bộ, còn dòng chảy bề mặt có thể quanh vịnh Bắc Bộ và đổi hướng theo mùa. Về quy luật dòng chảy, mùa hè thường xuôi chiều kim đồng hồ, còn mùa đông ngược chiều kim đồng hồ.
Dự báo thời tiết biển cũng cho thấy không thuận lợi cho việc tìm kiếm cứu nạn, có mưa rào và giông nhiều nơi trên khắp vịnh Bắc Bộ.
Trung tướng Phan Văn Giang tại hiện trường tìm kiếm được các mảnh vỡ của máy bay CASA-212 gặp nạn, ngày 17/6. Ảnh: Bộ Quốc phòng |
Đóng góp tích cực của ngư dân
Quá trình tìm kiếm cứu nạn máy bay Su-30MK2 và máy bay CASA-212 ghi nhận sự đóng góp tích cực ngay từ đầu của ngư dân. Chủ trương của lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng như các địa phương liên quan là khen thưởng kịp thời, thỏa đáng cho tàu thuyền nào phát hiện và tìm kiếm được phi công. Đến nay các địa phương đã huy động nhiều lượt tàu cá và ngư dân đều sẵn sàng tham gia tìm kiếm, không đặt nặng vấn đề chi phí.
Diễn biến quá trình tìm kiếm cũng cho thấy ngư dân đã phát hiện sớm việc máy bay bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ, cứu sống phi công Nguyễn Hữu Cường, tìm thấy thi thể phi công Trần Quang Khải…
“Khi ngư dân Đậu Văn Kính (Nghệ An) phát hiện thi thể quấn trong dù, lực lượng chức năng tiếp cận và đã nói với ngư dân Kính vào bờ để nhận khen thưởng. Mức thưởng Bộ Quốc phòng dự kiến là tương đương chi phí cho một chuyến tàu hoặc hơn. Nhưng ông Kính nói chưa vào bờ được mà phải tiếp tục đi đánh cá nốt một tuần mới về”, nguồn tin cho biết.
Trưa 16/6, trên đường tiếp cận vật thể nghi là áo phao của phi công Trần Quang Khải mất tích khi chiếc Su-30MK2 gặp nạn ở biển Nghệ An, máy bay CASA-212 chở 9 người đã rơi xuống biển gần đảo Bạch Long Vỹ (TP Hải Phòng). Bộ Quốc phòng đã triển khai lực lượng tìm kiếm, trong đó có sự tham gia của 3 tàu Trung Quốc bởi vị trí máy bay rơi gần với đường phân định vịnh Bắc Bộ.
Hiện nhiều nước lớn đã đề nghị vào cuộc giúp Việt Nam tìm kiếm cứu nạn.
Theo Võ Văn Thành - Phạm Hương (VnExpress.net)