Sòng bạc trá hình game online: 'Chủ sòng' thu ngàn tỉ, người chơi truy sát nhau

14/03/2018 10:02:32

Đó là thực tế được đúc kết trong thế giới đánh bạc trá hình game online đang nở rộ hiện nay. Thậm chí, nhiều trường hợp thua lỗ nặng dẫn tới đâm chém lẫn nhau.

Liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỉ trên mạng vừa bị triệt phá, đến nay Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố khoảng 80 bị can, trong đó có nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Nguyễn Thanh Hóa, 2 “ông trùm” Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương. Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hành vi đánh bạc là 2.777 tỉ đồng; tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản ngân hàng 381 tỉ đồng tiền mặt và sổ tiết kiệm, 20 căn hộ trị giá gần 190 tỉ đồng và 13 ô tô các loại.

Những con số thống kê trên cho thấy, các chủ sòng bạc trá hình game online thu lợi khủng khiếp, vì thế chúng mọc ra nhan nhản để câu dụ người chơi vào sòng.

Tràn lan game không phép

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên thị trường chỉ có 2 công ty được cấp phép game bài là CTCP Phát triển dịch vụ học tập và giải trí trực tuyến (VDC - Net2E) và Công ty cổ phần VNG với các hình thức chơi bài poker, tiến lên... Các công ty này chỉ được phép tổ chức trò chơi có nội dung được Bộ TT-TT phê duyệt với vật phẩm ảo, không cho người chơi “đổi thưởng” ra các vật phẩm có giá trị bằng tiền thật. Bên cạnh đó, theo ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, từ tháng 4.2016 Bộ TT-TT đã không có chủ trương cấp phép cho các game mô phỏng bài, các trò chơi sử dụng lá bài, mô phỏng trò chơi trong các sòng bạc.

Sòng bạc trá hình game online: 'Chủ sòng' thu ngàn tỉ, người chơi truy sát nhau
Người chơi lỗ nặng vì sàn bạc ảo.

Ông Tự Do cũng khẳng định, hiện ở trong nước, qua thanh kiểm tra Cục nhận thấy các doanh nghiệp (DN) đang có sai phạm phổ biến là phát hành trò chơi không có giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của DN trên mạng). Bộ TT-TT sẽ rà soát và có biện pháp xử lý nghiêm các hoạt động cung cấp dịch vụ không có giấy phép, phát hành trò chơi không có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản.

Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay các game bài online này vẫn xuất hiện nhan nhản trên internet, trên các phần mềm điện thoại di động. Người chơi sau khi đăng ký tham gia chơi game sẽ tiến hành tham gia đánh bài trong các sòng bài trực tuyến này và nộp tiền đều đặn cho các DN thông qua thẻ cào, tài khoản thẻ ngân hàng. Nhiều game bài có lượng người chơi đông, doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi tháng, thậm chí có game doanh thu lên đến hàng trăm tỉ đồng như Rikvip.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, tuy là hình thức chơi game ảo trên mạng, nhưng khi sở hữu một số lượng tài khoản nhất định trong game, người chơi có thể đổi ra thẻ cào điện thoại một cách dễ dàng. Người chơi còn có thể chuyển khoản tiền ảo cho nhau và phía tổ chức trò chơi sẽ lấy phí 2% giao dịch. “Với việc cho đổi thưởng các vật phẩm như trên, đồng nghĩa trò chơi này như một hình thức đánh bạc “ảo”. Đặc biệt, phía cung cấp trò chơi cũng thu lời khi cho phép mua bán các đơn vị tiền ảo trong game như xu, rik, phỉnh, tip... thông qua các đại lý trải dài trên toàn quốc, có mặt hầu như tất cả các thành phố lớn”, ông này phân tích.

Nợ nần, thua lỗ vì game cờ bạc

Trong khi các “chủ sòng” thu lợi khủng thì hầu hết người chơi tham gia đều thua lỗ nặng, thậm chí còn bị gạt mất tiền mà “không biết tỏ cùng ai”.

Anh Ngô Văn Khánh (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết nhiều trò chơi cam kết trả thưởng nhưng người thắng cuộc lại không nhận được phần thưởng của mình. Trong khi hầu hết các nhà cung cấp trò chơi lại hoàn toàn không lưu điện thoại, địa chỉ hòm thư để người chơi liên lạc. “Nhiều người chơi nạp cả trăm triệu đồng vào tài khoản, dù có thắng tiền nhưng không có cách nào để lấy thưởng khi cổng game bỗng dưng biến mất”, anh Khánh nói. Một số cổng game có tổng đài, tuy nhiên khi gọi tới thắc mắc, nhân viên tư vấn chỉ cho biết sẽ kiểm tra lại mà không đưa ra cụ thể thời gian nào người chơi mới có thể lấy lại tài sản trong tài khoản game ảo.

Tại cổng game bài trá hình Ripvipcom.vn, một người chơi thử đăng ký tài khoản và nạp thẻ cào 100.000 đồng, số tiền này không hề được “nổi” lên trong tài khoản. Cổng game này liên tục hối phải nạp thật nhiều thẻ cào mới đủ để tham gia xới bạc. Sau khi nạp thêm 200.000 đồng thẻ cào Viettel, số tiền này cũng không cánh mà bay.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (33 tuổi, Bắc Giang) chia sẻ: “Khi chơi bài online, người chơi vào đó chủ yếu sát phạt nhau, không biết kẻ thắng người thua như thế nào mà chỉ thấy toàn mất tiền cho “nhà cái”. Có hôm tôi nạp 5 triệu đồng vào tài khoản để chơi, vừa thắng được mấy ván thì mạng sập. Tiền trong tài khoản mất trắng mà cũng chẳng biết kêu ai”.

Không chỉ sát phạt, thua lỗ, mất tiền... nhiều trường hợp chơi game bài ảo dẫn đến đâm chém lẫn nhau. Điển hình như trường hợp Tạ Văn Thuần (H.Yên Lạc, Vĩnh Phúc) chơi trò chơi điện tử Rikvip và nợ anh Vũ Xuân Thời (31 tuổi, trú thôn Bình Lâm, xã Tam Hồng, H.Yên Lạc) gần 200 triệu đồng. Khi đến nói chuyện với anh Thời về số tiền nợ trên thì xảy ra mâu thuẫn, Thuần dùng dao chém nhiều nhát khiến anh Thời phải nhập viện cấp cứu.

Án mạng từ game cờ bạc trá hình

Hôm qua (13.3), TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nghĩa (28 tuổi, ngụ Đồng Nai) y án tử hình về tội giết người. Theo án sơ thẩm, Nghĩa quen anh Nguyễn Thành Đạt (27 tuổi, ngụ TP.HCM), chủ đại lý chuyên bán tiền ảo cho người đánh bạc trên mạng. Sáng 21.4.2017, Nghĩa đến TX.Dĩ An (Bình Dương) thuê phòng khách sạn, gọi điện cho anh Đạt rồi mượn tài khoản của anh này để đánh bạc. Nghĩa đưa cho Đạt 92 triệu đồng để mua tiền ảo. Sau gần 1 ngày chơi game cờ bạc trực tuyến, Nghĩa thắng được 218 triệu đồng và gọi anh Đạt tới khách sạn để đổi tiền thật cho Nghĩa. Tại đây, anh Đạt nói không có tiền để đưa, dẫn đến hai bên mâu thuẫn. Nghĩa đâm anh Đạt tử vong rồi lục túi nạn nhân lấy 87 triệu đồng, 3 điện thoại di động và bỏ trốn, sau đó đến đầu thú tại cơ quan công an.

Đầu năm 2017, Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ Huỳnh Ngọc Phương (33 tuổi), công nhân một công ty ở KCN Mỹ Xuân B1, H.Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) về hành vi giết người, cướp tài sản. Kết quả điều tra cho thấy Phương nghiện nặng trò chơi game bắn cá. Để có tiền trả nợ bạn bè và tiếp tục chơi game, Phương hẹn một gái bán dâm đến mua dâm, sau đó sát hại, lấy chiếc xe máy của nạn nhân...

Theo Thái Sơn (Thanh Niên Online)