Mức điểm chuẩn của nhiều trường đại học năm nay tăng vọt từ 1 đến 6 điểm so với năm 2016, trong đó có trường lấy điểm chuẩn cao từ 27 đến hơn 30. Mức điểm này khiến nhiều thí sinh dù đạt 9 điểm mỗi môn cũng chưa chắc đã... đỗ đại học.
Thí sinh xem số báo danh phòng thi kỳ thi THPT Quốc gia 2017 (ảnh: Quốc Hải) |
9 điểm mỗi môn cũng chưa chắc đã đậu
Tại ĐH Y Hà Nội, năm nay ngành có điểm chuẩn cao nhất vào trường là Y đa khoa với 29,25 điểm (tăng 3,25 điểm so với năm 2016), kế đến là ngành Răng - Hàm - Mặt với 28,75 điểm. Như vậy, với mức điểm chuẩn này thì dù TS có điểm trung bình mỗi môn 9 điểm cũng không thể trúng tuyển vào ĐH Y Hà Nội ở 2 ngành này. Đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất của trường này từ trước đến nay. Ngoài mức điểm “chót vót” trên, các ngành khác vào ĐH Y Hà Nội cũng tăng nhiều so với năm 2016 với mức điểm dao động từ 23.75 điểm đến 26,75 điểm. Trong đó, điểm trúng tuyển thấp nhất rơi vào ngành Y tế Công cộng với 23,75 điểm.
Tương tự, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay cũng có mức điểm tăng mạnh so với năm 2016. Cụ thể, ngành Y Đa khoa năm nay lấy mức điểm là 28,25 điểm (tăng 2,75 điểm); các ngành khác cũng tăng mạnh gồm: Y Đa khoa chất lượng cao 26,5 điểm, Dược học 26,5 điểm.
Nhiều trường thuộc “top” đầu khác khu vực phía Nam cũng có điểm chuẩn tăng mạnh so với năm 2016. |
Chẳng hạn, tại ĐH Bách Khoa TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm trúng tuyển cao nhất là 28 điểm thuộc về nhóm ngành Khoa học Máy tính; Kỹ thuật Máy tính (tăng 2,5 so với năm 2016). Các ngành còn lại dao động từ 20 đến 26,25 điểm, trong đó ngành thấp nhất là Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ lấy 20 điểm. Tuy nhiên, nếu so sánh với năm 2016 thì mức điểm chuẩn tăng mạnh nhất của trường này lại là ngành Địa chất - Dầu khí với mức tăng 3,5 điểm so với năm 2016, lấy 23,5 điểm. Các ngành còn lại tăng từ 0,5 đến 3 điểm so với năm 2016.
Bên cạnh đó, các ngành hệ chính quy chất lượng cao năm nay cũng tăng mạnh, chẳng hạn ngành Kỹ thuật Máy tính Chất lượng cao tăng 3 điểm; ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô Chất lượng cao tăng 3 điểm; ngành Khoa học Máy tính Chất lượng cao tăng 2,75 điểm; nhóm ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tăng 2,75 điểm; ngành Quản lý công nghiệp Chất lượng cao tăng 2,75 điểm...
Tại ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay ngành Quản trị Kinh doanh dự kiến điểm chuẩn cao nhất lên đến 26 điểm, kế đến là ngành Ngôn ngữ Anh với 25 điểm. Hai ngành Tài chính - Ngân hàng và Kỹ thuật Y sinh cùng lấy mức 24,5 điểm. Hai ngành có điểm chuẩn thấp nhất năm nay là ngành Kỹ thuật Xây dựng và Quản lý nguồn lợi thuỷ sản cùng lấy 17,5 điểm...
Còn tại ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm chuẩn cao nhất là ngành Kinh tế Đối ngoại với 27,25 điểm; kế đến là Kinh doanh Quốc tế với 27 điểm. Các ngành còn lại dao động từ 20,5 đến 26,5 điểm, tăng từ 1 đến 3 điểm so với năm 2016.
Điểm chuẩn ĐH ngoài công lập cũng cao... chót vót
Đáng chú ý, không chỉ điểm chuẩn các trường “top” đầu tăng mạnh mà ở khối trường ngoài công lập, điểm chuẩn năm nay của nhiều ngành cũng tăng từ 2 đến 5 điểm, có trường tăng tới 6 điểm so với năm 2016. Tại ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech), điểm trúng tuyển cao nhất là 21 điểm thuộc về ngành Marketing (tăng 5,5 điểm so với năm 2016). Tất cả các ngành còn lại đều có mức điểm chuẩn cao hơn ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định (điểm sàn) từ 0,5 - 5,5 điểm, tăng mạnh so với điểm chuẩn năm 2016.
Tại ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, 2 ngành có điểm trúng tuyển cao nhất ở mức 21 điểm là Quản trị Khách sạn và Kinh doanh Quốc tế. Các ngành còn lại dao động từ 16 đến 20 điểm, mức điểm này cũng tăng từ 1 đến 2 điểm so với năm 2016.
Trong khi đó tại ĐH Văn Hiến, ngành lấy điểm cao nhất là Tâm lý học với 20,50 điểm, kế tiếp là ngành Đông Phương học lấy 20 điểm. Các ngành còn lại dao động từ 15,5 điểm đến 19,75 điểm; mức điểm năm nay của trường cũng nhỉnh hơn năm 2016 từ 0,5 đến 2 điểm.
Còn tại ĐH Nguyễn Tất Thành, ngành Quản trị Khách sạn, Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống có điểm chuẩn cao nhất là 21 điểm, ngành Y học Dự phòng lấy 18 điểm, ngành Việt Nam học và Kỹ thuật Ô tô 17,5 điểm; ngành Quản trị Kinh doanh 17 điểm; ngành Dược học 16 điểm. Các ngành còn lại có điểm chuẩn bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT với 15,5 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển. Theo ông Nguyễn Hoàng Tiến, đại diện phòng Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường cho biết, với việc nhiều ngành đào tạo có điểm chuẩn tăng cao so với năm 2016, do đó các TS có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn dự kiến công bố của nhà trường có thể đăng ký xét tuyển vào ngành học yêu thích bằng điểm học bạ THPT để tăng cơ hội vào đại học.
“Nhà trường dành 50% trên tổng chỉ tiêu xét tuyển vào trường bằng phương thức xét học bạ THPT lớp 12. Để xét học bạ, TS chỉ cần hai điều kiện là tốt nghiệp THPT và tổng điểm của ba môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên cho tất cả các ngành nghề đào tạo (trừ Y học dự phòng). Hạn cuối nộp hồ sơ xét tuyển đến hết ngày 5.8”, ông Tiến thông tin.
Theo Quốc Hải (Dân Việt)