Trong 3,5 lít dịch được truyền có 2 lít cao phân tử - loại dung dịch đặc biệt điều trị sốc sốt xuất huyết. Nam bệnh nhân 66 tuổi cũng được bù Albumin, tiểu cầu, dịch đẳng trương, vận mạch, nâng huyết động…
BSCKII Trần Thị Hoài, Trưởng khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa Đức Giang, cho hay bệnh nhân bị cô đặc máu do bị thoát dịch nặng nề. Sau 1 đêm chạy đua cấp cứu, bệnh nhân thoát sốc.
Ông T là một trong số những ca biến chứng, sốc sốt xuất huyết nặng mà Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã cấp cứu trong thời gian gần đây. Lãnh đạo bệnh viện cho biết từ đầu vụ dịch đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị tổng số hơn 300 ca sốt xuất huyết.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Hoài cho biết các ca nặng vào viện có nhiều bệnh cảnh khác nhau, có bệnh nhân tình trạng cô đặc máu, thoát dịch, tràn dịch màng bụng, màng phổi, giảm tiểu cầu, tăng men gan. Có bệnh nhân chưa tràn dịch nhưng nôn nhiều, sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Thoát dịch khi bị sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Bác sĩ Hoài nói người bệnh mất dịch do đi ngoài có thể dễ nhận biết nhưng thoát dịch ra khỏi lòng mạch lại khó nhận biết.
Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, thủ đô ghi nhận 170 ca (tăng 14,1% so với tuần trước). Cộng dồn từ đầu năm, số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã gần 800 ca, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cũng điều trị một số ca bệnh sốt xuất huyết nặng, tràn dịch màng phổi, màng bụng. Một số trường hợp bị chảy máu răng, mũi; bệnh nhân nữ bị rối loạn kinh nguyệt hoặc chảy máu âm đạo.
Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Đức Giang, nếu tháng 7 số bệnh nhân cúm A điều trị nội trú chiếm chủ yếu thì từ tháng 8, bệnh nhân sốt xuất huyết lại chiếm ưu thế. Có những ngày khoa điều trị tới 33 ca trong khi tháng 7 chỉ khoảng dưới 5-7 ca/ngày, chưa kể số bệnh nhân khám, điều trị ngoại trú.
Riêng ngày 16/8, có 25 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại khoa này, trong đó có 2 ca cần truyền tiểu cầu.
Theo các bác sĩ, triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết Dengue khá tương đồng với cúm hay Covid-19, hai dịch đang cùng lúc tồn tại ở Hà Nội, nên người dân dễ bỏ sót khiến người mắc bệnh có nguy cơ trở nặng.
Ổ dịch tăng, nhiều nơi chỉ số giám sát cao vượt ngưỡng
Các bác sĩ cảnh báo, số lượng ca mắc sẽ tăng do Hà Nội chỉ mới bước vào đầu vụ dịch, đồng nghĩa với số ca nặng sẽ tăng theo. Hiện toàn thành phố có 27 ổ dịch đang hoạt động tại 13 quận/huyện.
Trong y tế dự phòng, quá trình điều tra 4 chỉ số giám sát bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, chỉ số BI (Breteau index) có vai trò quan trọng để xác định tình hình. Khi chỉ số này từ 30 trở lên đồng nghĩa với việc cơ sở giám sát có nguy cơ cao bùng phát dịch. Riêng tại khu vực miền Bắc, chỉ số BI này quy định là từ 20 trở lên.
Theo CDC Hà Nội, nhiều nơi ở thủ đô có BI cao vượt ngưỡng. Đơn cử, xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) có BI là 46; phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) có chỉ số là 54; xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) thậm chí lên tới 100… Điều này cho thấy nguy cơ truyền bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng rất lớn.
Theo Bộ Y tế, tính đến tuần đầu tháng 8/2022, cả nước ghi nhận trên 145.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 53 trường hợp tử vong. Các tỉnh, thành phố ghi nhận nhiều trường hợp tử vong như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận. So với cùng kỳ 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 3,3 lần, số ca tử vong tăng 39 trường hợp.
Theo Võ Thu (VietNamNet)