Trước tác động của đại dịch Covid-19, hơn 1 triệu người tại Việt Nam mất việc làm, thất nghiệp. Với nhiều lao động, có một công việc thu nhập trung bình lúc bấy giờ đã là một may mắn. Tuy nhiên, gần 1 ngàn nhân viên y tế của TP.HCM đã nộp đơn nghỉ việc, kéo dài trong thời gian dịch bệnh xảy ra.
Cụ thể, trong họp báo chiều 29/11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong 10 tháng của năm 2021, 968 nhân viên y tế đã nghỉ việc. Theo bà Huỳnh Mai, có sự tăng nhẹ ở nhóm điều dưỡng và bác sĩ của trạm y tế. Năm 2020, con số tương ứng là 597 người.
Những con số này phản ánh phần nào thực tế về áp lực của nhân viên y tế tuyến cơ sở, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 kéo dài.
Theo bác sĩ Phan Thanh Tùng, Trưởng trạm y tế xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), mỗi nhân viên y tế tại trạm phải gồng gánh trên 17.000 dân.
Trước khi dịch bùng phát, nhân sự mỏng, khối lượng công việc đã quá tải. Dịch xuất hiện, nhân viên y tế nâng công suất làm việc lên đến 300%: truy vết, xét nghiệm, tiêm ngừa, theo dõi F0 tại nhà....
Để đáp ứng tình hình thực tế và chăm sóc sức khỏe người dân, một nhân viên trạm y tế đảm nhận nhiều công việc khác nhau, có những việc không thể đặt tên. Tuy nhiên, hiện lương nhân viên y tế tại trạm y tế này chỉ khoảng 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.
"Tôi làm việc tại Trạm y tế gần 20 năm nhưng mức lương hiện nay khoảng 6 triệu đồng/tháng. Với chế độ như thế, hầu như các nhân viên y tế còn bám trụ lại với nghề, với Trạm y tế đều vì đam mê, vì lương tâm của chính mình với người dân.
Đã có những bác sĩ nghỉ việc vì mức lương thấp, không đủ để lo cho gia đình khi họ là trụ cột chính", bác sĩ Phan Thanh Tùng chia sẻ.
Tháng 11/2020, trong buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 3 phải thốt lên: “Nếu có một cách tính nào đó, xin các đồng chí hãy tính. Vì sao, chúng ta phải làm sao, cho lực lượng y tế bám trụ lại trạm”.
Ông chia sẻ về một nữ bác sĩ xin nghỉ việc ngay khi dịch vừa đi qua đỉnh điểm, vì áp lực gia đình. “Gia đình không thể chấp nhận một người mẹ có con mà 4-5 tháng trời không về nhà”.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cũng thừa nhận, trong đợt dịch, có những ngày ông phải ký một xấp đơn xin nghỉ việc của nhân viên y tế. Trong đó, có bác sĩ của bệnh viện, của trung tâm y tế, của trạm y tế.
TP.HCM hiện có 310 trạm y tế xã, phường với 50% khuyết vị trí trạm trưởng. Số lượng nhân sự chủ yếu phổ khoảng 4-5 nhân viên/trạm. Nơi nào đông đúc nhất cũng chỉ khoảng 8-10 người, bao gồm cả lao động ký hợp đồng, không phải biên chế chính thức.
Dù 4 người hay 10 người, công việc vẫn chồng chất, thu nhập vẫn thấp và đặc biệt nặng nề trong đợt dịch. Nguy cơ của họ không kém bất kỳ một bác sĩ nào ở các cơ sở điều trị Covid-19. Tháng 8/2021, trạm trưởng y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè đã tử vong vì mắc Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ.
Bác sĩ Lê Bá Kông, Trạm trưởng trạm y tế phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức cho biết, với 80.000 dân trên địa bàn, hơn 7.000 F0 được xác định trong cao điểm dịch, 8 nhân sự của trạm phải gồng gánh toàn bộ công tác phòng chống dịch.
Mọi thứ chỉ ổn định khi trạm y tế Bình Chiểu được lực lượng quân y và bác sĩ tư nhân tăng cường sau đó. Lỗ hổng nhân sự y tế cơ sở một lần nữa bộc lộ những điểm yếu cố hữu mà TP.HCM đã nhìn thấy từ rất lâu.
“Khi nào giá trị của các bác sĩ ở y tế cơ sở cũng giống như bác sĩ của bệnh viện, khi đó người ta mới chịu về làm ở trạm y tế”, bác sĩ Lê Bá Kông chia sẻ.
Với gần 1.000 lá đơn xin nghỉ việc của nhân viên y tế, Chánh văn phòng Sở Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, “Lý do chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình và các yếu tố cá nhân”.
Trước đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng thẳng thắn nhìn nhận "Không ai chịu về trạm y tế”.
Hiện nay, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên 10.000 dân tại TP.HCM chỉ đạt 2,31. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06). Sở Y tế kiến nghị tăng mức trần biên chế tại trạm y tế lên gấp đôi hiện tại, tức là 20 người/trạm để đảm bảo nhân lực.
Ngoài chính sách thu hút, Sở Y tế đề xuất cần có chính sách để giữ chân nhân viên y tế ở lại với cơ sở. Cụ thể, đề xuất bác sĩ tại trạm y tế được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, trình độ Đại học, y sĩ hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng, trình độ Cao đẳng, Trung cấp hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, Sở Y tế kiến nghị UBND TP cho phép bác sĩ, điều dưỡng mới ra trường ở Đại học Y hoa Phạm Ngọc Thạch được thực hành ở y tế cơ sở 12 tháng. 6 tháng còn lại thực hành tại bệnh viện. Trong quá trình thực hành, bác sĩ được TP hỗ trợ một phần chi phí từ ngân sách. Ngành y tế kỳ vọng, sự thay đổi này sẽ cải thiện được chất lượng và giữ chân nhân lực y tế ở cơ sở.
Theo Linh Giao (VietNamNet)