Theo ông Quang, thành phố đang đầu tư cho phát triển giao thông công cộng như làm đường sắt đô thị, buýt nhanh BRT, mở thêm các tuyến xe buýt... nhằm giảm ùn tắc giao thông. “Đây là những giải pháp căn cơ, về lâu dài tiến tới giảm tình trạng ùn tắc giao thông do sự gia tăng của phương tiện cá nhân”, ông Quang cho biết.
Tuyến đường Nguyễn Trãi thường xuyên ùn tắc do thi công đường sắt trên cao. Ảnh: Bá Đô |
“Điều chỉnh tần suất tức là giãn tuần suất hoạt động giờ cao điểm, trước kia là 5 phút/chuyến, nay có thể điều chỉnh lên 10-15 phút/chuyến hoặc tại những đoạn đường quá hẹp, xe buýt không thể dừng đón/trả khách thì sẽ được phân luồng đi vòng theo hướng khác. Việc điều chỉnh tần suất trên không làm giảm sản lượng xe buýt năm 2015”, ông Quang nói.
Cũng theo lãnh đạo Sở Giao thông, 2 dự án đường sắt đô thị trên khi hoàn thiện, tháo dỡ rào chắn, tần suất xe buýt sẽ được điều tiết trở lại.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều độ giao thông đô thị Hà Nội, trước đó trung tâm đã thực hiện điều chỉnh tần suất một số tuyến xe buýt qua khu vực thi công 2 tuyến đường sắt đô thị. Cụ thể, trên tuyến quốc lộ 6 (Nguyễn Trãi – Trần Phú, Hà Đông) hiện có 9 tuyến xe buýt hoạt động, Trung tâm đã điều chỉnh tần suất của 3 tuyến và điều chỉnh 2 tuyến cắt ngang không đi trục Nguyễn Trãi. Đã giảm 30 xe/70 xe/giờ cao điểm/ một hướng (tương đương 43% số lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm).
Trên tuyến quốc lộ 32 (Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy – Cầu Giấy) hiện có 12 tuyến hoạt động, Trung tâm đã điều chỉnh 5 tuyến cắt ngang không đi trục Xuân Thủy – Cầu Giấy, lưu thông vào tuyến đường Nguyễn Phong Sắc – Trần Thái Tông. Đã giảm 30 xe/60 xe/giờ cao điểm/một hướng (tương đương 50% số lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm).
HĐND thành phố Hà Nội vừa công bố kết luận khảo sát tình hình, kết quả hai năm thực hiện nghị quyết về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Theo đó, từ năm 2013 đến nay thành phố đã hỗ trợ 3.150 tỷ đồng trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng; hỗ trợ 100% phí sử dụng đường bộ cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (năm 2013, trên 4 tỷ đồng; năm 2014 hơn 7 tỷ đồng). Việc tăng tần xuất, tăng số lượng xe buýt nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giảm phương tiện cá nhân còn hạn chế; thực hiện chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng nhiều khó khăn do tâm lý sử dụng xe cá nhân còn nhiều… |
Theo V.Hải (VnExpress.net)