Vụ việc thầy Phạm Quốc Đạt, trường THPT Võ Trường Toản (TP.HCM), cho học sinh sân khấu hóa các tác phẩm văn học, trong đó có nhiều cảnh được cho là nhạy cảm nhận được sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi về vụ việc này chiều 29/3, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay công tác xử lý viên chức, trường sẽ báo cáo với phòng tổ chức cán bộ của sở. Việc xử lý đúng hay sai thuộc chuyên môn của phòng tổ chức cán bộ và hiệu trưởng nhà trường.
"Bình luận về quyết định kỷ luật đang gây tranh cãi sẽ có rất nhiều vấn đề nên phải có đầy đủ thông tin. Về những 'cảnh nóng' được sân khấu hóa từ tác phẩm văn học, phải đánh giá tùy vào không gian, bối cảnh, trình độ của giáo viên hướng dẫn và mục tiêu cuối cùng đạt được mục đích dạy học chứ không thể phán xét ngay", đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM nói.
Về quan điểm chuyên môn, Sở GD&ĐT TP.HCM rất ủng hộ cách dạy đổi mới sáng tạo, luôn hướng dẫn giáo viên tích cực đổi mới trong phương pháp dạy học, nhưng không được làm tùy tiện.
Các bài học phải được thiết kế trong kế hoạch và thông qua tổ chuyên môn. Nội dung bài học phải được bàn thảo, trao đổi với nhau để xây dựng thành kế hoạch và thực hiện. Khi có sự không thống nhất từ người dạy, học sinh đến phụ huynh hay xã hội, ngay lập tức, giáo viên phải ngồi lại thảo luận, rút kinh nghiệm.
Từ trường hợp của thầy Đạt, việc đưa những vấn đề nhạy cảm, liên quan quan hệ tình dục, giáo dục giới tính vào dạy học khiến nhiều giáo viên tranh luận.
Nhiều ý kiến cho rằng việc cấm không cho học sinh sáng tạo những nội dung liên quan tình dục là né tránh, bảo thủ. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên môn Lịch sử trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, không đưa cảnh nhạy cảm vào dạy học không có nghĩa là né tránh giáo dục giới tính.
Sau khi bị kỷ luật, ngày 25/3, thầy Phạm Quốc Đạt đã nộp đơn khởi kiện hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản ra Tòa án Nhân dân quận 12.
Ông Đạt yêu cầu hiệu trưởng nhà trường tuyên hủy quyết định kỷ luật, buộc nhà trường phải công khai xin lỗi mình trước tập thể giáo viên nhà trường, trên 3 số báo liên tiếp, bố trí thầy quay trở lại giảng dạy, chủ nhiệm theo đúng chuyên môn,.
Cùng đó, ông yêu cầu nhà trường bồi thường số tiền gần 23 triệu đồng thiệt hại về mặt vật chất.
Theo giáo viên này, với đặc thù tâm lý tuổi mới lớn, kiến thức giáo dục giới tính, quan hệ tình dục cần được dạy đúng, rành mạch, có kỹ năng, chứ không phải muốn nói sao cũng được. Không thể nói giáo viên không ủng hộ tái hiện những phân cảnh ân ái, cưỡng hiếp trong các tác phẩm văn học là bảo thủ, né tránh vấn đề.
Từng cho học sinh tái hiện nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa, thầy Du cho rằng giáo viên nên xem xét cẩn trọng khi đổi mới phương pháp dạy học bằng hình thức sân khấu hóa.
"Giảng dạy khác với sáng tạo sân khấu. Mục đích cuối cùng phải xem học sinh học được điều gì. Học đường không phải sân khấu nên phải có giới hạn nhất định", thầy Du kết luận.
Tương tự, cô Thu Trang, giáo viên dạy Văn tại quận Thủ Đức (TP.HCM) cũng cho rằng thầy và trò có nhiều cách sáng tạo, đổi mới dạy học nhưng không phải làm một cách vô tội vạ.
"Từng cho học sinh sân khấu hóa nhiều tác phẩm nhưng đến đoạn nhạy cảm, tôi đều cho sử dụng hiệu ứng để lướt qua. Môi trường học đường cần trong sạch, lành mạnh, không phải ở ngoài các em xem phim ảnh vô tư là trong trường cũng có thể thoải mái", cô Trang nói.
Theo Minh Nhật (Tri Thức Trực Tuyến)