Thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM ngày 4/9 cho biết, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tính từ đầu năm đến ngày 3/9 trên toàn thành phố là 9.974 trường hợp. Đến nay, các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho hơn 41.000 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có gần 2.800 bệnh nhân nặng và nguy kịch đang phải thở máy, lọc máu, ECMO.
Số liệu thống kê sơ bộ trong tuần qua ghi nhận, ca tử vong có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm chưa bền vững. Hai cột mốc đáng chú ý nhất là ngày 30/8 số ca bệnh lên tới 335 trường hợp, đến ngày 1/9 số ca bệnh giảm kỷ lục xuống còn 217 ca. Tuy nhiên, sang ngày 2/9 số ca tử vong lại tăng lên 250 trường hợp. Số ca tử vong mỗi ngày tuy đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức rất cao.
Ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Nhân Dân 115 cho thấy, mỗi ngày tại đây đang điều trị khoảng 500 bệnh nhân, trong đó có khoảng 60 ca bệnh nặng và nguy kịch. BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, so với khoảng 1 tuần trước thì những ngày đầu tháng 9 đang có những tín hiệu đáng mừng, số ca bệnh nặng và nguy kịch chuyển đến bệnh viện có xu hướng giảm, số ca tử vong cũng đã giảm khoảng 30%.
Thành phố và ngành y tế đang có những chủ trương, quyết sách đi đúng hướng trong công tác phòng chống dịch đặc biệt là việc mở thêm nhiều bệnh viện hồi sức chuyên sâu, tăng cường thêm máy móc trang thiết bị và có thêm vũ khí quan trọng là thuốc kháng virus sử dụng trong bệnh viện và sử dụng ngoài cộng đồng. Người bệnh đang được tiếp cận sớm với điều trị, giảm đi mức độ chuyển từ nhẹ sang nặng từ đó giảm số ca chuyển viện đến các tầng trên cả về số lượng ca bệnh và bệnh ở mức độ nguy kịch.
"Các bệnh viện ở tầng 2 và tầng 3 đang có thêm thời gian, có thêm nguồn lực để tập trung cứu chữa cho bệnh nhân nặng. Bệnh nhân tử vong giảm, bệnh nặng cũng giảm là tín hiệu rất vui, hy vọng trong thời gian sớm nhất thành phố sẽ kiểm soát được dịch, đưa cả xã hội trở lại giai đoạn bình thường mới" – BS Trần Văn Sóng nói.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Số trường hợp tử vong trên tất cả ca bệnh của toàn thành phố đang chiếm 4,2%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tùy theo giai đoạn, có những nơi tỷ lệ tử vong dao động từ 2,1% đến 4,4%. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong trên địa bàn TP.HCM đang nằm trong giới hạn cao so với thế giới".
Phân tích chuyên môn của TS.BS Vĩnh Châu chỉ ra, từ khi phát hiện ca bệnh dương tính đến khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng nặng phải nhập viện sẽ có độ trễ từ 5 tới 7 ngày. Thực tế điều trị COVID-19 ghi nhận, trong 5 ngày đầu virus phát triển mạnh, bệnh nhân có thể sốt, đau mình, mất khứu giác, mất vị giác.
Khoảng 80% trường hợp mắc bệnh sẽ thuyên giảm tự khỏi trong tuần đầu. Tuy nhiên, một số bệnh nhân diễn tiến qua giai đoạn nặng từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 khiến người bệnh rơi vào nguy kịch. Do đó, sẽ có độ trễ trong thời gian diễn tiến bệnh sau khi số ca mắc trong cộng đồng tăng cao.
Tiếp đến sẽ có một độ trễ khác là giai đoạn bệnh nhân được điều trị tích cực. Giai đoạn này, một số bệnh nhân sẽ hồi phục nhưng một số bệnh nhân nặng sẽ không thể cứu chữa được. Đại diện ngành y tế thành phố nhận định, trong vòng một tuần tới, số lượng bệnh nhân tử vong sẽ giảm dần.
Tuy nhiên, trên thực tế số ca mới mắc COVID-19 mỗi ngày đang ở mức rất cao, cá biệt trong ngày 3/9 toàn thành phố có tới 8.480 ca F0 được phát hiện. Khi ca bệnh tăng cao ngoài cộng đồng sẽ kéo theo sự gia tăng của nhóm bệnh nặng, nguy kịch, nỗ lực kéo giảm số ca tử vong tại TPHCM còn nhiều thách thức.
Theo Vân Sơn (Tiền Phong)