Tín hiệu đáng mừng
Tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 279.223 ca mắc Covid-19, đứng đầu cả nước. Trong đó, có 80.585 trường hợp F0 cách ly tại nhà; 35.176 trường hợp F0 cách ly tại cơ sở cách ly quận, huyện, phường, xã; 40.762 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện.
Sau nhiều biện pháp siết chặt giãn cách xã hội, đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin, số ca mắc Covid-19 mới và số F0 tử vong đang có chiều hướng giảm.
Cụ thể, số ca tử vong ngày 22/8 là 340 ca, đến ngày 9/9 giảm còn 195 ca. Theo số liệu tại TP.HCM, tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 125.481, tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 11.604. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các ca mắc Covid-19 cần nhập viện và các ca được xuất viện dần được thu hẹp.
Vừa qua, Sở Y tế đã tiếp nhận tài trợ và phân bổ các trang thiết bị cho các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 gồm 560 máy thở chức năng cao; 620 máy thở xâm nhập, không xâm nhập; 2.400 hệ thống oxy dòng cao (HFNC); 39 máy lọc máu liên tục; 3 hệ thống ECMO…
Việc điều trị hiệu quả F0 tại nhà và bệnh viện là một trong những yếu tố then chốt giúp số ca tử vong giảm. Đây là một tín hiệu đáng mừng dành cho nỗ lực giảm số ca tử vong tại TP.HCM. Song song với chiến dịch tiêm vắc xin, TP.HCM vẫn đang tiếp tục công tác xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Kịch bản nào để tiến đến “bình thường mới”?
Trước mắt, TP.HCM đã lên kế hoạch sử dụng “thẻ xanh Covid-19”. Trao đổi với báo chí, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết: “Bình thường mới” rất khác so với “bình thường”, tức là có sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 và bất kể ai cũng có thể nhiễm bệnh và lây cho người xung quanh. Như vậy trước tiên, người dân phải tự giác tiêm vắc xin”.
Người dân TP.HCM có thể sử dụng “thẻ xanh Covid-19” khi thực hiện chỉ thị 16 để tham gia lao động, sản xuất, đi siêu thị, đi làm và di chuyển nội địa. Bên cạnh đó, người từng mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng cũng là đối tượng được sử dụng "thẻ xanh”.
Các biện pháp giãn cách xã hội sẽ dần được nới lỏng. Trong bối cảnh “bình thường mới”, tình trạng ca nhiễm cộng đồng tăng sẽ xuất hiện, hệ thống y tế cần phải đảm bảo tiếp nhận đủ các bệnh nhân có triệu chứng, hoặc triệu chứng nặng, nguy kịch.
Sở Y tế cũng sẽ lên kế hoạch đảm bảo các F0 tại nhà sẽ được chăm sóc, tư vấn, quản lý tại tuyến y tế cơ sở.
Về các ngành dịch vụ, cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu, TP.HCM đã đặt ra một số giải pháp để kiểm soát tình hình, tránh tình trạng bùng dịch lây lan trong cộng đồng. Những người tham gia kinh doanh, người lao động đều phải âm tính khi làm việc và được tiêm vắc xin đầy đủ. Việc xét nghiệm Covid-19 được thực hiện tối thiểu 3 ngày/1 lần. Khoảng cách giữa người mua hàng, người bán hàng cũng cần được đảm bảo.
Theo Ngân Ngọc (Trí Thức Trẻ)