Số ca mắc mới trong ngày giảm
1. Thông tin các ca mắc mới trong ngày:
Số ca mắc trong ngày 19/7 là 4.195:
Số ca mắc ngày hôm nay ghi nhận giảm hơn so với ngày hôm qua, tổng số ca mắc hôm nay là 4.195 (hôm qua 5.926), trong đó thành phố Hồ Chí Minh giảm hơn 1.500 ca (3.074 ca so với 4.692). Trong đó có 497 ca trong cộng đồng.
2. Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Việt Nam có tổng cộng 55.946 ca ghi nhận trong nước và 2.079 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 52.215 ca, trong đó có 7.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 54.376 ca, trong đó có 8.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Chiều 19/7, Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo có thêm 80 ca tử vong do COVID-19, từ số 255-334.
Đây là các bệnh nhân tử vong từ ngày 9/7/2021-19/7/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Long An, Bắc Ninh, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 334 trường hợp tử vong do COVID-19.
3. Tình hình xét nghiệm và tiêm chủng
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.589.253 xét nghiệm cho 12.189.959 lượt người.
- Số ca đang điều trị âm tính với SARS-CoV-2:
+ Lần 1: 226 ca.
+ Lần 2: 112 ca.
+ Lần 3: 123 ca.
Tổng cộng đã thực hiện tiêm chủng 4.283.906 liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó:
+ Số người đã được tiêm 1 mũi là 3.977.431 người.
+ Số người đã được tiêm đủ 2 mũi là: 306.475 người.
- Bộ Y tế đã đàm phán và Pfizer đồng ý tăng số lượng vắc xin cung cấp quý III/2021 cho Việt Nam (từ 3 triệu lên khoảng 3,5 triệu lều) và đồng ý bán thêm 20 triệu liều trong năm 2021 (tổng số là 51 triệu liều vắc xin Pfizer).
+ Về các nguồn viện trợ: Chính phủ Anh cam kết viện trợ 415.000 liều vắc xin AZ. Chính phủ Rumani 100.000 liều. Đang đề nghị Chính phủ Trung Quốc viện trợ không hoàn lại 5 triệu liều vắc xin Sinopharm.
+ Như vậy, ngoài 105 triệu liều đã cam kết, đã ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán và có khả năng sẽ ký được thì dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ có khoảng 175 triệu liều.
Hơn 20 địa điểm xuất hiện F0 tại Hà Nội
Hiện, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều ca mắc mới COVID-19, trong đó có một số ca chưa xác định được nguồn lây.
Đặc biệt, tính từ ngày 5/7 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 183 trường hợp, đáng chú ý là 3 ổ dịch mới phát sinh từ ngày 16/7 có số mắc khá cao là 90 Nguyễn Khuyến: 34 ca; B8 Tân Mai: 16 ca và 132 Bùi Thị Xuân: 14 ca.
Tính đến 9h sáng ngày 19/7, Hà Nội có 25 địa điểm xuất hiện các F0, rải rác tại nhiều quận, huyện của TP.
Cũng trong ngày 19/7, CDC Hà Nội đã thông tin kết quả xét nghiệm của hơn 10.000 đối tượng có nguy cơ cao tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tính đến 11h sáng 19/7, các quận, huyện, thị xã đã lấy 10.249 mẫu xét nghiệm, với kết quả 100% âm tính với virus SARS-CoV-2.
Điểm sáng từ "tâm dịch" TP.HCM
Ngày hôm nay 19/7, số ca mắc mới trong cả nước nói chung và TP.HCM giảm hơn so với ngày hôm qua. Tổng số ca mắc hôm nay là 4.195 (hôm qua 5.926), trong đó thành phố Hồ Chí Minh giảm hơn 1.500 ca (3.074 ca so với 4.692).
Đặc biệt, số ca mắc mới đa số ở trong khu cách ly tập trung, khu phong tỏa. 24 giờ qua, TP chỉ có 6 ca F0 phát hiện tại các khu công nghiệp. Đây là "tín hiệu" đáng mừng, bởi trong những ngày vừa qua, đặc biệt là ngày hôm qua, TP ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát kể từ ngày 29/4.
Khắc phục tình trạng BV "từ chối F0"
Theo đó, TP.HCM sẽ huy động toàn bộ xe cứu thương chở F0 nhập viện. Trong đó, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM chịu trách nhiệm điều phối việc chuyển F0 đến bệnh viện.
Bên cạnh đó, Sở Y tế và Trung tâm 115 phải huy động toàn bộ nguồn lực xe cứu thương tại cơ sở y tế công lập; vận động cơ sở ngoài công lập hỗ trợ cho điều động sử dụng tạm thời xe cứu thương (gồm cả lái xe).
Mở lại chợ truyền thống
Tính đến chiều 19/7 đã có 44 chợ truyền thống mở cửa hoạt động buôn bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Quyết định này được đưa ra trên cơ sở tại các chợ này đáp ứng đủ điều kiện, yêu cầu phòng chống dịch.
Ngoài ra, người dân cũng đã bình tĩnh hơn, yên tâm hơn sau những ngày xuất hiện những thông tin sai lệch bị lan truyền. Dù nhiều chợ được mở cửa nhưng người dân vẫn rất bình tĩnh, không có tình trạng tụ tập đổ xô đến chợ.
Đặc biệt, tối 19/7, UBND TP.HCM ban hành Công văn khẩn về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn. Như vậy, người dân TP.HCM sẽ đảm bảo được cung ứng đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng.
Theo Hạ Vũ (Nhịp Sống Việt)