Nguyễn Thị Tươi (20 tuổi, Yên Bái) đang sống cùng một người bạn tại xóm trọ trong ngõ 20, đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy). Như nhiều sinh viên thuê trọ khác, Tươi phải căn cơ cho mỗi khoản thu chi hàng tháng. Tùy từng tháng, bố mẹ Tươi sẽ gửi lên cho con gái số tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Tươi không thể đòi hỏi nhiều hơn, bố mẹ cô - những nông dân của một xã nghèo miền núi - không có nhiều hơn số đó.
Với tổng thu 2 triệu đồng/tháng (cộng cả tiền làm thêm ở một quán ăn), Tươi đóng cho chủ nhà khoảng 1 triệu đồng, bao gồm tiền phòng trọ, điện và nước. “Mỗi tháng, riêng tiền điện em mất khoảng 200 nghìn đồng, ở xóm em, điện có giá 4.500 đồng/số”, Tươi kể.
Cô thắc mắc với bà chủ nhà trọ: “Tại sao giá điện nhà nước chỉ khoảng 2.500 đồng/số mà bọn cháu phải đóng gần gấp đôi?”. “Ở đâu cũng thế thôi, cháu không ở đây thì đi chỗ khác”, bà chủ trọ đáp. Nhiều khách thuê trọ đã hỏi bà như vậy và lần nào bà cũng trả lời như thế. Tất cả đều chấp nhận rằng: 4.000 – 5.000 đồng/số điện là điều hiển nhiên.
Sau khi đọc chỉ đạo của Thủ tướng về việc các xóm trọ phải thu phí tiền điện theo đúng giá quy định của Nhà nước, Tươi có hỏi bà chủ trọ về vấn đề này.
“Bà chủ không quan tâm lắm đến thông tin ấy. Bà còn nói, có thể chuyển đi nếu không chịu được giá điện hiện thời”, Tươi bức xúc và cho biết, hè đến, nhiều tân sinh viên lên Hà Nội nhập học, phòng trọ sẽ lại khan hiếm.
Nguyễn Minh Tùng (21 tuổi, Nam Định), sinh viên năm 3 Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội cũng ở một xóm trọ gần trường, tại ngõ 91, đường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm). Cũng như Tươi, cậu sinh viên này phải đóng 5.000 đồng/số điện. Mỗi tháng, đồng hồ điện phòng cậu thường cán mốc 50 số, vị chi 250 nghìn đồng tiền điện phải trả. Mùa hè nắng nóng, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng cao hơn nữa.
“Sinh viên tụi em mấy trăm nghìn cũng là rất quý, bằng mấy chục suất cơm bụi rồi. Các chủ trọ thu tiền điện như vậy không khác gì ăn chặn tiền của tụi em”, Tùng than thở.
Trong vai người đi thuê phòng trọ, PV có cuộc khảo sát tại nhiều khu vực tập trung đông sinh viên ở trọ như: Đường Xuân Thủy (gần HV Báo chí Tuyên truyền, Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội), đường Giải Phóng (gần Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng), đường Tây Sơn (gần Đại học Công đoàn, Đại học Thủy lợi). Hầu hết các xóm trọ đều cho biết sẽ không thay đổi mức giá thu tiền điện từ 4.000 – 5.000 đồng/số điện.
“Sinh viên chúng cháu rất mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo sâu sát vụ việc để tránh tình trạng một số chủ nhà trọ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người thuê nhà mà kinh doanh giá điện, thu cao gấp 2-3 lần so với giá thông thường để kiếm lời”, Thanh Hương, sinh viên năm 3, Đại học Kinh tế Quốc bày tỏ nguyện vọng.
Chủ trọ đang “kiếm thêm một tí”
Gia đình ông Nguyễn Thanh Thắng (ngõ 86, Trần Thái Tông, Cầu Giấy) hiện có 15 phòng trọ cho sinh viên thuê với tổng số người thuê là 35 người. Ông Thắng cho biết, mức thu tiền điện hiện là 5.000 đồng/số. “Do tổng điện năng tiêu thụ của cả xóm trọ luôn vượt mức 400 số điện vì vậy mức giá tiền điện cuối tháng luôn là 2.700 đồng/số”, ông Thắng cho hay.
Bên cạnh đó, vị chủ trọ cho rằng, số tiền điện đó bao gồm cả việc duy trì hệ thống bóng điện chiếu sáng công cộng cho cả xóm.
Tương tự, bà Nguyễn Hải Yến (chủ nhà trọ ở ngõ 91, đường Phú Diễn) cho biết, hầu hết các hộ cho thuê phòng trọ ở khu vực đều áp mức giá điện như vậy. “Bên cạnh tiền điện thắp sáng chung cho cả xóm, việc khấu hao hệ thống điện do chúng tôi đầu tư cũng phải được tính đến”, bà Yến phân trần.
PV đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Cty Điện lực TP.Hà Nội (EVN Hà Nội).
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, giá điện bị áp cao như vậy một phần chính bởi… các em sinh viên. “Nhiều chủ nhà trọ không đăng ký tạm trú, tạm vắng đầy đủ cho những người thuê trọ và ngay chính các em sinh viên không thực hiện nghiêm túc việc này nên chúng tôi không có cơ sở cấp định mức, từ đó áp dụng thu giá điện sinh hoạt như một hộ gia đình thông thường (4 người được tính là một định mức) cho họ. Mỗi một định mức nếu sử dụng dưới 200 số điện/tháng sẽ được tính giá điện từ bậc 1 đến bậc 3 (từ 1.549 đồng – 1.858 đồng/số điện)”, ông Tuấn lý giải.
Tổng Giám đốc EVN Hà Nội cũng cho biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian tới ngành điện thủ đô sẽ phối hợp với Sở Công Thương trực tiếp kiểm tra tại các khu trọ, yêu cầu chủ trọ khai báo đầy đủ tạm trú, tạm vắng và số lượng người thuê trọ. “Sau khi áp định mức rồi, nếu chủ trọ vẫn thu tiền điện không đúng giá quy định chúng tôi sẽ áp dụng Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ, xử phạt họ từ 7 - 10 triệu đồng”, ông Tuấn khẳng định.
Đánh giá về con số 4.000 – 5.000 đồng/số điện mà nhiều sinh viên thuê trọ ở Hà Nội đang phải chịu, ông Tuấn cho rằng: “Các chủ trọ đang tận dụng “kiếm thêm một tí”. Bởi nếu lấy lý do lượng điện tiêu thụ toàn xóm trọ lớn dẫn đến giá điện là 2.700 đồng/số (chưa bao gồm VAT) thì mỗi số điện chủ trọ cũng lãi được ít nhất 1.000 – 2.000 đồng từ sinh viên”.
Thông thường, một phòng trọ 2 người tiêu thu hết 50 số điện/tháng, chủ trọ có thể lãi đến 100.000 đồng từ việc kinh doanh điện. Một xóm trọ có 10 phòng trọ trở lên, chủ trọ dễ dàng thu về hàng triệu đồng/tháng.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội trong buổi trao đổi với PV cũng cho biết, sắp tới đơn vị này sẽ kết hợp với Tổng Cty Điện lực Hà Nội tiến hành rà soát hiện trạng kết hợp tuyên truyền đến các chủ nhà trọ và người thuê trọ trên địa bàn Thủ đô thực hiện thu tiền điện, nước theo đúng quy định của Nhà nước.
“Sau khi áp được định mức, nếu chủ trọ vẫn thu cao hơn giá quy định, chúng tôi sẽ xử phạt. Các em sinh viên nếu bị chủ trọ chèn ép, thu cao hơn giá quy định, hãy thông tin cho chúng tôi, cho các cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt và răn đe ngay họ lập tức”, vị đại diện Sở Công Thương Hà Nội khẳng định và cho biết, chính bản thân ông cũng từng trải qua những tháng ngày sinh viên hết sức gian khó, “vài chục nghìn cũng quý”.
Theo Trần Tuấn (Lao Động)