Mưa lớn chưa đầy 1 giờ đã biến đường Nguyễn Hữu Cảnh (P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ngập kéo dài như sông, hàng loạt xe qua đây chết máy. Tuy nhiên, khi nước dâng đến 65 cm thì máy bơm thông minh mới vận hành chống ngập.
Lúc 18 giờ, ngày 30.9 mưa lớn bắt đầu đổ xuống nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM, khiến gần 40 tuyến đường trên địa bàn TP.HCM ngập sâu (theo số liện trên ứng dụng UDI của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM). Do mưa lớn rơi vào giờ tan tầm, nhiều người trên đường đi làm về lội xe qua nước ngập chết máy phải đẩy bộ.
Điều đáng nói, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (P.19, Q.Bình Thạnh) đã được lắp hoàn thành máy bơm thông minh chống ngập, vận hành đạt kết quả tối ưu một số lần thử nghiệm trước đó. Tuy nhiên, lúc 19 giờ (chỉ trong 1 giờ mưa lớn), đường Nguyễn Hữu Cảnh qua khu vực ngập kinh hoàng, kéo dài như sông.
VIDEO: Siêu máy bơm vận hành thử kiệm đạt kết quả tối ưu |
Dòng xe máy qua đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn dạ cầu Thủ Thiêm - chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh) chết máy la liệt, nhiều người phải vật vã đẩy xe chết máy qua nước ngập vô cùng khổ sở. Thậm chí, dòng nước dâng quá cao, nhiều người lạc tay lái ngã xe xuống nước ướt đẫm. Bên cạnh đó, ô tô qua khu vực ngập nước cũng chết máy, chủ xe phải huy động người dân hai bên đường ra lội nước đẩy ô tô qua khu vực.
Để biết hiệu quả máy bơm này mà mưa xuống bơm liền thì không ai biết chất lượng và công dụng của máy bơm. Công ty để cho đường ngập mới bơm, thì người dân mới chứng kiến và đánh giá được hiệu quả công trình. Sắp tới, các cống nước trên đường sẽ được gắn chíp, nước vừa dâng cao sẽ có hệ thống báo tự động về cho nhân viên vận hành máy bơm ngay lập tức để chống ngập. ông Nguyễn Tăng Cường |
Giao thông qua khu vực gần như tê liệt. Thế nhưng, phải đến khi mực nước dâng 65 cm thì máy bơm thông minh chống ngập được lắp tại khu vực mới được vận hành hút nước.
Trao đổi với báo Thanh Niên vấn đề này, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (chủ đầu tư máy bơm) cho biết, trong trận mưa lớn chiều tối 30.9, nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh dâng rất cao.
“Đến 19 giờ 20, công ty đo được mực nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh dâng đạt mức 65 cm, tôi liền yêu cầu nhân viên nhấn nút khởi động máy bơm. Nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh liền hút ào ào vào máy bơm theo hệ thống ống thép kết nối với miệng ống cống, đổ ầm ầm ra sông Sài Gòn. Đến 19 giờ 40 (tức sau 20 phút) mực nước ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh rút xuống còn 30 cm, trời vẫn còn đổ mưa rất to. Đến hơn 20 giờ 15, tuyến đường qua khu vực đã hết ngập hoàn toàn”, ông Nguyễn Tăng Cường cho biết.
Khi thắc mắc vì sao để đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập rất sâu, hàng loạt phương tiện giao thông chết máy mới cho khởi động máy bơm, ông Cường nói: “Khi đường này vừa ngập, tôi liền gọi Trung tâm chống ngập TP xuống chứng kiến, xem quá trình vận hành của máy bơm hút nước để đánh giá công trình, vì đang trong giai đoạn nghiệm thu. Khi chính thức đi vào hoạt động, tôi cam đoan sẽ không bao giờ có tình trạng ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, nếu không hết ngập thì sao lấy tiền được”.
Ông Nguyễn Tăng Cường khẳng định, máy bơm thông minh đi vào hoạt động sẽ cam đoan đường Nguyễn Hữu Cảnh không bao giờ ngập, nếu ngập không lấy tiền. ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Cũng theo ông Cường, để biết hiệu quả máy bơm này mà mưa xuống bơm liền thì nước vẫn còn ít thì không ai biết chất lượng thực và công dụng của máy bơm thực sự hiệu quả thế nào. Để cho đường ngập mới bơm, thì người dân mới chứng kiến và đánh giá được hiệu quả thực sự công trình.
Ông Cường cho biết, sắp tới, các cống nước trên đường sẽ được gắn chíp, nước vừa dâng cao sẽ có hệ thống báo tự động về cho nhân viên vận hành máy bơm ngay lập tức để chống ngập.
Tước đó, 22.9, đoàn lãnh đạo TP.HCM do ông Trần Vình Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP dẫn đầu đã có buổi thị sát thực tế công trình máy bơm thông minh chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh. Lãnh đạo thành phố đã đánh giá cao giải pháp công nghệ máy bơm thông minh chống ngập và cho biết TP đang nghiên cứu đề xuất thuê máy bơm của công ty với kinh phí 12 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, khi trao đổi với các phóng viên có mặt tại buổi thị sát, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, con số này chỉ là tính toán ban đầu và sẽ đưa ra kết luận cụ thể sau khi bàn bạc với các sở ngành TP, tính toán hợp lý với phương châm lấy chất lượng công trình làm đầu, giải quyết bức xúc cho bà con khu vực cũng như của TP; nếu công trình này hoạt động tốt, sẽ nghiên cứu triển khai thêm một số khu vực ngập nặng khác.
Theo An Huy - Ảnh: Đậu Tiến Đạt (Thanh Niên Online)