Sáng sớm ngày 26/9, bão NORU đã vượt qua khu vực phía nam của đảo Luzon (Philippines), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 04 năm 2022. Dự báo trong 48 đến 72 giờ tới, bão NORU di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ.
Trên VietNamNet, TS. Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyễn), chuyên gia Biến đổi khí hậu và Giảm thiểu thiên tai vừa có những nhận định mới nhất về cơn bão này, qua đó giúp người dân có hướng phòng tránh sớm nhất.
Bão Noru đã đi ra khỏi đất liền của Philippines và lúc này đang ở vị trí 15.5 độ Vĩ Bắc, 118.3 độ Kinh Đông trên vùng biển Đông của Việt Nam.
Nhìn vào ảnh vệ tinh cho thấy mây xung quanh bão bị phân tán, nhiều cấu trúc bão bị vỡ, áp suất không khí tại tâm bão khoảng 990hpa. Cấp gió hiện tại khoảng 120-130km/h, giật 140km/h. Như vậy, bão đã yếu đi rất nhiều so với trước khi đổ bộ vào đất liền của Philippines.
Sự yếu đi này chỉ là tạm thời. Bão sẽ lấy lại năng lượng trong quá trình di chuyển trên Biển Đông.
Lúc này, có nhiều khối mây phát triển do bốc hơi ở Biển Đông và có thể bị tâm bão hút vào, tập hợp thêm năng lượng và sẽ mạnh trở lại.
Dự báo bão sẽ mạnh lên với cấp gió 130-140km/h khi đi qua khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Bão sẽ tiếp tục mạnh lên khi cách bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng khoảng 100km về phía Đông vào đêm 27/9. Vận tốc gió khi bão cách bờ 100km có thể đạt 140-150km/h, tương đương với cấp gió 14-15, giật cấp 16-17.
Khi tiếp cận bờ biển, bão có thể giảm cấp còn 130-140km/h (gió đều), và có gió giật 160km/h (gió giật không thường xuyên và không ở trên diện rộng).
Thời gian và vị trí bão vào bờ
Khoảng 23h ngày 27/9, vùng biển Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi bắt đầu có gió mạnh do vành mây bão phía trước tâm bão tạo ra. Đến khoảng 6h sáng ngày 28/9, tâm bão tiếp cận đất liền và duy trì hoạt động liên tục 4 tiếng. Khu vực được dự báo là Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng sau đó đến TT-Huế và Tây Nguyên. (Lưu ý: Danh sách địa điểm bão vào có thể được cập nhật ở bản tin sau).
Tâm bão được dự báo đi vào QUẢNG NAM. Tuy nhiên, do bão lớn nên khu vực Quảng Ngãi và Đà Nẵng cũng được xác định là vùng ảnh hưởng mạnh nhất của tâm bão.
Khi vào đất liền bão có thể đi chếch theo hướng Tây Bắc. Vì vậy, ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi nơi có bão đổ bộ thì Đà Nẵng và TT-Huế sẽ ảnh hưởng lớn bởi gió mạnh khi bão quét qua. Các tỉnh Bắc Tây Nguyên đề phòng gió lớn và mưa hoàn lưu rất lớn.
Bão vào bờ đúng lúc triều cường đang cao nên nước biển sẽ dâng lên 1-1.5m và sóng đánh cao 5-6m gần bờ.
Dự báo lượng mưa đạt 250-350mm/ngày. Đây là lượng mưa cấp tập rất lớn trên diện rộng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngập lụt nơi có bão đi qua. Mưa hoàn lưu bão di chuyển về phía Bắc và phía Tây của tâm bão.
Tích trữ lương thực, thực phẩm trong 4-5 ngày đề phòng lụt sau bão
Đây là cơn bão rất lớn và có phạm vi ảnh hưởng rộng. Những nhà cấp 4 lợp tôn, ngói ở ven biển và vùng thấp sẽ không an toàn với cơn bão này. Bà con cần sơ tán theo lệnh sơ tán của chính quyền địa phương. Thời gian hoàn tất việc sơ tán nên trước 16h ngày 27/9.
- Tuyệt đối không ở lại trên thuyền và lồng bè ven biển.
- Khẩn trương đưa tàu thuyền vào bờ và tìm nơi neo đậu an toàn. Bão này mà neo đậu không tốt, có thể bốc cả thuyền lên bờ.
- Tuyệt đối không đi ra ngoài đường khu vực được dự báo có bão vào từ khung giờ 21h ngày 27/9 cho đến khi bão tan.
- Tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống trong 4-5 ngày đề phòng có lụt ngay sau bão.
- Luôn sạc đầy các thiết bị thông tin liên lạc, đèn pin.
- Hạ biển quảng cáo ngoài trời, gia cố giàn giáo bê tông ở các công trình đang xây dựng.
- Hạ mực nước ở các hồ chứa nước.
- Gia cố lồng bè nuôi cá trên biển và tuyệt đối không ở lại lồng bè, tàu thuyền.
- Cắt tỉa cành cây, gia cố nhà cửa, chèn mái tôn bằng bao cát.
- Các tài xế xe tải, những người có kế hoạch di chuyển bằng đường bộ qua khu vực có bão thì cân nhắc ở lại các khu vực giáp ranh với tâm bão. Phía Bắc là Quảng Trị và phía Nam là Ninh Thuận. Đang di chuyển trên đường mà gặp siêu bão sẽ khó tìm được cách xử lý tối ưu.
Ngay sau bão số 4 lại có thêm bão số 5 hình thành vào ngày 1/10 trong biển Đông. Tiếp đó là những hình thái mưa cực đoan trong đất liền.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyễn)