"Vụ việc lái xe trả tiền lẻ khi qua trạm BOT quốc lộ 5 chiều 4/9 là hành động tự phát cục bộ của một số tài xế ở Hưng Yên, không phải phản ứng của nhiều người dân", ông Huyện nhận định.
Phân luồng chống ùn tắc tại trạm thu phí quốc lộ 5 khi nhiều tài xế phản đối thu phí. Ảnh: Hội lái xe VN. |
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng cho biết đã chỉ đạo chủ đầu tư tăng cường nhân viên ở trạm thu phí vì "không thể từ chối lái xe trả tiền lẻ", đồng thời đề nghị các địa phương bố trí lực lượng chống ách tắc giao thông.
Trả lời câu hỏi về việc giảm phí vé lượt cho tất cả phương tiện qua hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5 thay vì chỉ dành cho người dân địa phương, đại diện Vidifi - đơn vị quản lý, cho rằng: Nếu đúng theo phương án tài chính được phê duyệt thì mức phí thấp nhất là 45.000 đồng, song hiện chủ đầu tư đang áp dụng 40.000 đồng, nên sẽ không giảm tiếp.
Theo vị này, hiện phương tiện qua hai trạm trên khoảng 34.000 xe mỗi ngày. Từ năm 2009 đến nay, đơn vị quản lý thu được khoảng 1.700 tỷ đồng tiền phí BOT. Trong đó, chi phí sửa chữa cải tạo 500 tỷ đồng cho quốc lộ 5 vào năm 2013 và chuẩn bị sửa chữa toàn tuyến 100 km với kinh phí 2.000 tỷ đồng.
"Hiện nguồn thu phí quốc lộ 5 chỉ đủ bảo trì cho chính tuyến đường này, chưa bù đắp được chi phí đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng như dự kiến", đại diện Vidifi chia sẻ.
Với đề xuất của Thái Nguyên về dỡ bỏ trạm thu phí BOT quốc lộ 3, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, Bộ Giao thông chưa bàn việc di chuyển trạm này vì sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Trước mắt, Tổng cục đề nghị tỉnh Thái Nguyên có phương án miễn, giảm phí cho người dân địa phương như nêu trên.
Người dân Thái Nguyên phản đối trạm thu phí BOT. |
Sáng 30/8, hơn 40 xe ôtô của nhiều người dân ở Phú Lương, Đại Từ, TP Thái Nguyên treo băng rôn phản đối trạm thu phí BOT quốc lộ 3 qua tỉnh này. Những người tham gia diễu hành trong đoàn cho biết, họ không có ý gây rối trật tự an ninh mà chỉ tập trung đi nộp đơn lên các cơ quan chức năng đề nghị dỡ bỏ trạm thu phí BOT này.
Quốc lộ 5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội – Hải Phòng, chiều dài khoảng 100 km, tuyến đường này có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng. Trước đây giá phí qua trạm BOT này là 10 nghìn đồng/lượt/trạm/xe bốn chỗ; sau tăng lên 30 nghìn đồng, rồi 45 nghìn đồng và hạ xuống còn 40 nghìn đồng vào năm 2016. Từ đầu năm 2016, dự án nâng cấp Quốc lộ 5 theo hình thức BOT được chuyển giao cho Vidifi; nhà đầu tư chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí. Hồi cuối năm 2015, một lãnh đạo VIDIFI cho rằng nếu doanh nghiệp không được tăng phí Quốc lộ 5, thì phương án tài chính cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có thể bị phá sản. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km cũng do Vidifi đầu tư, thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015. |