Thi công ẩu, hoặc ăn bớt…
Thưa ông, với những lùm xùm liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 34 nghìn tỷ đồng đang gây bức xúc dư luận, trong kế hoạch kiểm toán tới đây của Kiểm toán Nhà nước có dự án cao tốc 34 nghìn tỷ này không?
Có chứ. Do dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa mới làm xong nên bây giờ chúng tôi chưa kiểm toán. Nhưng trong kế hoạch tới đây chúng tôi sẽ thực hiện kiểm toán đối với dự án này. Cụ thể dự án sẽ được đưa vào kế hoạch kiểm toán trong năm 2019.
Quá trình thực hiện kiểm toán sẽ tập trung vào những nội dung gì thưa ông?
Đơn vị kiểm toán sẽ tiến hành kiểm toán toàn diện hoạt động của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi này, từ yếu tố tuân thủ pháp luật cho đến các vấn đề về giá trị công trình, cùng nhiều nội dung quan trọng khác liên quan dự án.
Trả lời báo chí, chủ đầu tư nói nguyên nhân đường cao tốc hỏng có yếu tố “do mưa nhiều”. Theo ông, yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng công trình ra sao?
Lý do đó không phải. Khi xây dựng định mức quy trình dự án thì phải chịu đựng được trong mọi yếu tố thời tiết. Nói như thế là không đúng. Ví dụ như ở Ấn Độ, thời tiết của họ nóng đến 50 độ C, nhưng đường của họ có chảy đâu.
Nguyên nhân hỏng ở đây hoặc là do nền hoặc do mặt đường cao tốc. Nếu do mặt đường thì có thể do thi công không đúng, thi công ẩu, hoặc ăn bớt, hoặc đưa chủng loại vật liệu vào không đúng.
Đối với dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, trước mắt chúng ta cứ để cho cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông vận tải vào cuộc kiểm tra, làm rõ trách nhiệm trước. Còn sau khi kiểm tra mà thấy có dấu hiệu không khách quan thì các cơ quan độc lập, hoặc cơ quan cấp trên sẽ vào cuộc”.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
Với những gì mà báo chí phản ánh trong thời gian qua, cùng kinh nghiệm kiểm toán các dự án tương tự, cá nhân ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về những vi phạm trong dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi này?
Cái này cũng còn tùy, nhưng nói chung là chất lượng công trình không đảm bảo. Mà dự án không đảm bảo có thể có mấy lý do: Một là do vật liệu không đảm bảo, hai là do quá trình thi công không đúng, và thứ 3 có thể không phải do phần nền, mà rơi vào phần mặt, nên có thể cấp phối không đúng.
Những vi phạm của các dự án đầu tư công thường là làm tăng tổng mức đầu tư, quyết định về thẩm quyền, vi phạm trong lựa chọn nhà thầu, như không tổ chức đấu thầu mà chỉ định thầu, hoặc đấu thầu hạn chế. Rồi các dự án vi phạm trong vấn đề quy trình thi công, khối lượng, chất lượng công trình, đưa vật liệu không đúng, hay chế độ chính sách không đúng quy định làm tăng giá thành…
Trung bình cứ 10 nghìn tỷ đồng đầu tư sẽ bị thất thoát 200 tỷ
Theo kế hoạch kiếm toán tới đây sẽ thực hiện bao nhiêu cuộc kiểm toán về các dự án đầu tư công tương tự, thưa ông?
Nhiều lắm, rất nhiều dự án tương tự nằm trong kế hoạch kiểm toán tới đây. Trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV này, chúng tôi đã gửi báo cáo tới Quốc hội, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Chỉ riêng đối với những dự án nhóm A cũng có khoảng vài chục dự án nằm trong kế hoạch kiểm toán trong thời gian tới. Sau khi hoàn thành, toàn bộ kết quả kiểm soát sẽ được công khai hết.
Từ thực tế và kinh nghiệm công tác , Tổng kiểm toán có thể cho biết, tình trạng thất thoát lãng phí trong các dự án đầu tư công đang ở mức nào?
Đối với các dự án đầu tư công, nói chung tình trạng thất thoát xảy ra tương đối lớn. Tôi chưa thể nói cụ thể về từng dự án, nhưng với những dự án đã được kiểm toán, bình quân cũng phải thất thoát lên tới hơn 2% tổng mức đầu tư. Chẳng hạn một dự án có tổng mức đầu tư 10 nghìn tỷ, thất thoát 2%, tức là tương đương với 200 tỷ đồng.
Giải pháp quan trọng để ngăn chặn tình trạng thất thoát lãng phí trong các dự án đầu tư công là gì, thưa ông?
Giải pháp quan trọng hàng đầu là phải tăng cường xử lý trách nhiệm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán. Đặc biệt cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu. Ví dụ với cơ quan chủ quản đầu tư dự án, bộ trưởng nào quyết thì phải chịu, còn giao cho chủ đầu tư thì ông ấy phải chịu trách nhiệm.
Thông thường, cơ quan chủ quản đầu tư dự án có trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra, buông lỏng trách nhiệm. Còn trách nhiệm đối với chủ đầu tư là không kiểm tra Ban Quản lý dự án, buông lỏng trách nhiệm, hoặc thậm chí có sự thông đồng, trục lợi.
Cảm ơn ông.
Báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2019 được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc gửi đến các đại biểu Quốc hội cho thấy, một số dự án, chương trình có quy mô và phạm vi lớn sẽ lần đầu tiên được lựa chọn để tổ chức thành các cuộc kiểm toán hoạt động độc lập trong năm 2019. Về lĩnh vực doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước sẽ lựa chọn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018. Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, Kiểm toán Nhà nước dự kiến lựa chọn 38 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận xã hội quan tâm, trong đó có nhiều dự án liên quan đến lĩnh vực giao thông.
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)