Sau vụ trâu húc chết chủ, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sắp tới có gì khác?

26/09/2017 11:52:00

Ít ngày nữa, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn sẽ diễn ra. Không chỉ tăng cường, rà soát chất lượng trâu, Lễ hội lần này cũng được thay đổi nhiều về quy mô hoạt động nhằm đảm bảo an toàn nhất cho du khách và những người tham dự.

Ít ngày nữa, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn sẽ diễn ra. Không chỉ tăng cường, rà soát chất lượng trâu, Lễ hội lần này cũng được thay đổi nhiều về quy mô hoạt động nhằm đảm bảo an toàn nhất cho du khách và những người tham dự.

Niềm vui chiến thắng của chủ trâu thắng cuộc. Ảnh: M.LÝ

Nghe tin tiếp tục lễ hội, chủ trâu hết... ốm

Đang nằm trên giường bệnh, nghe thông tin Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tiếp diễn, cụ Hoàng Đình Phúc, 85 tuổi, một trong 3 người đấu tranh để khôi phục lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không kìm nổi cảm xúc, nghẹn giọng chia sẻ: “Đang nằm viện, nghe tin các con báo Lễ hội được tiếp tục, tôi như khỏe lại. Năm nào, gia đình cũng có trâu tham gia, ít thì 1 “ông”, nhiều là 2 “ông”. Công việc hằng ngày chủ yếu gắn với chăm trâu và rèn trâu. Suốt thời gian chờ đợi “phán quyết” từ cơ quan chức năng, người Đồ Sơn vẫn miệt mài chăm trâu, không dám bỏ ngỏ dù trong lòng đôi lúc phân tâm. Đối với người dân Đồ Sơn, Lễ hội này là nét văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân miền biển với những ý nghĩa đặc biệt mang tính biểu tượng về cầu sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, mùa màng, nguồn cội”.

Cùng chung tâm trạng với cụ Phúc, vợ chồng anh Lưu Đình Tới (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn) nhiều năm có trâu tham gia lễ hội bày tỏ: “Khi hay tin lễ hội được phép tiếp tục, gia đình tôi ai cũng phấn khởi cho dù quy mô tổ chức Lễ hội này điều chỉnh nhiều. Vòng đấu loại hàng năm sẽ bị cắt bỏ nên số trâu tham gia sẽ chỉ còn 16 “ông” tranh đấu duy nhất 1 vòng (chung kết) thay vì 32 trâu qua 2 vòng đấu như trước”. Có mặt tại buổi kiểm tra trâu chọi vào sáng 15/9, các chủ trâu vui mừng cho rằng, với tin mừng này người dân Đồ Sơn vui mừng khôn tả. Khắp các làng trên, xóm dưới... ai ai cũng hân hoan, hứng khởi trở lại. Họ gác lại mọi việc, tập trung cao độ cho rèn trâu, chăm trâu và thực hiện các nghi thức tâm linh cho mùa chọi tới. Hiện, các chủ trâu đều đã hoàn tất các công đoạn, sẵn sàng bước vào lễ hội.

Lễ hội có nhiều thay đổi quan trọng

Theo ông Đinh Xuân Nguyên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận Đồ Sơn, Lễ hội chọi trâu năm nay sẽ thay đổi về quy mô cũng như trong cách tổ chức. Cụ thể, sân đấu chọi trâu được thu hẹp lại còn 60m x 35m nhằm mở rộng khoảng cách thoát cho trâu, tạo bước đệm an toàn cho khán giả. Cùng với đó, hệ thống rào được gia cố, dựng mới 2 lớp bằng những hàng cọc bạch đàn lớn, hàng rào sắt chắc chắn ngăn cách với khu vực khán đài, đảm bảo trâu không phá được rào. Đường thoát trâu cũng được gia cố bằng các lốp ô tô, các cột sắt chắc chắn tạo lối vào-ra cho trâu khi kết thúc “kháp” đấu. Về phía lực lượng bắt trâu, Ban tổ chức Lễ hội quán triệt không cho bất cứ ai vào trong sới chọi (kể cả trọng tài và chủ trâu) khi bắt đầu thi đấu. Các lực lượng liên quan chỉ được bắt trâu khi có lệnh của ban tổ chức hoặc tổ trọng tài điều hành trận đấu. Tại lễ hội chọi trâu lần này, ban tổ chức kiên quyết loại bỏ khỏi lễ hội những trâu có biểu hiện khác thường như hung dữ, hay tấn công người... Cùng với đó, việc kiểm soát thịt trâu bán tại lễ hội được quán triệt thực hiện nghiêm, không để lợi dụng lễ hội đưa thịt trâu không thi đấu vào trong hội chọi trà trộn để bán...

Cơ cấu giải thưởng Lễ hội chọi trâu

Tổng giá trị giải thưởng là 272,6 triệu đồng, một giải Nhất là 100 triệu đồng, một giải Nhì là 60 triệu đồng, 2 giải Ba mỗi giải 40 triệu đồng. Phường có trâu giải Nhất được 10 triệu đồng và được BTC trao biểu tượng Lễ hội, cờ hội giữ trong 1 năm. Phường có trâu giải Nhì được thưởng 5 triệu đồng, phường có trâu giải Ba được thưởng 3 triệu đồng.

 

Giữ gìn lễ hội cho muôn đời sau

Ông Đinh Xuân Nguyên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận Đồ Sơn chia sẻ thêm, tại buổi tọa đàm về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn diễn ra ngày 7/9 do Bộ VH-TT&DL tổ chức, các nhà khoa học, quản lý đều khẳng định giá trị tinh thần, văn hóa của Lễ hội này và mong muốn giữ gìn. Tuy nhiên, các nhà khoa học, quản lý cũng nêu, nếu tổ chức cần rà soát những hạn chế, bất cập còn tồn tại của Lễ hội để khắc phục, tổ chức hoạt động cho tốt. Các nhà khoa học cho rằng, cần nâng tầm Lễ hội chọi trâu thành điểm đến du lịch cho Hải Phòng nói chung và Đồ Sơn nói riêng. Việc gìn giữ Lễ hội này không phải chỉ cho hôm nay mà cho muôn đời sau...

Theo Minh Lý - K.Hòa (Giadinh.net.vn)

Nổi bật